Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu vừa có cuộc họp bàn phương án đầu tư xây dựng Dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên nối quốc lộ 4D từ thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) sang huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).
Theo phương án do đơn vị tư vấn, thiết kế trình bày, dự kiến chiều dài toàn tuyến dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên là 9,44 km. Trong đó, đường hầm xuyên núi dài 2,5 km, xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế hầm đường bộ Nhật Bản.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.273 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng.
Dự kiến dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên được khởi công vào quý III/2022, hoàn thành và đưa vào khai thác giữa năm 2025.
Công trình sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường hiện đang sử dụng trên quốc lộ 4D khoảng 10 km từ huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đi thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và ngược lại.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đồng thuận với phương án tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên.
Tuy nhiên, phía Lào Cai đề nghị đơn vị tư vấn, thiết kế phân tích rõ hơn các thông tin về báo cáo kinh tế kỹ thuật của dự án, cơ cấu nguồn vốn, về tài nguyên, môi trường, đặc biệt là khu vực liên quan đến rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Hoàng Liên).
Tỉnh Lào Cai cũng đề nghị đơn vị tư vấn, thiết kế cần làm rõ hơn ưu điểm của các phương án thi công, một số điểm thiết kế kỹ thuật của dự án; chi phí giải phóng mặt bằng, nhất là trên địa bàn tỉnh Lào Cai; đề xuất cơ chế hợp tác quản lý giữa hai địa phương khi triển khai và sau khi dự án hoàn thành.
Hiện nay, hai địa phương kết nối giao thông với nhau chủ yếu qua quốc lộ 4D, trong đó đoạn qua đèo Hoàng Liên cao nhất, dài nhất trong các đèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc (cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển).
Đây là đèo thuộc nơi địa hình hiểm trở, có nhiều khúc cua nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, thời gian di chuyển lớn.
Việc thực hiện đầu tư dự án sẽ tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, dịch vụ vận tải, logictics, du lịch, sản xuất nông nghiệp và tạo đột phá về phát triển giao thông có tính kết nối vùng.