Lê Hoàng Uyên Vy: Phải làm nhiều, làm ít sẽ không có cơ hội đúng

Người đồng sáng lập Quĩ Do Ventures, cho rằng nhà khởi nghiệp nên làm nhiều, thử nghiệm nhiều để tăng cơ hội tìm ra giải pháp đúng.

Hồi tháng 9, ông Nguyễn Mạnh Dũng - cựu giám đốc Quĩ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan - cùng Lê Hoàng Uyên Vy - cựu giám đốc sàn thương mại điện tử Adayroi của Vingroup và cựu giám đốc Quĩ đầu tư mạo hiểm ESP - đã công bố Quĩ đầu tư Do Ventures do hai người đồng sáng lập.

Do Ventures đã thành công trong việc "chốt đơn" đầu tiên và đạt nửa chặng đường trong mục tiêu gọi vốn. Những đối tác rót vốn vào Do Ventures đều là các nhà đầu quen thuộc tại Việt Nam đến từ Hàn Quốc và Singapore: Naver, Sea (công ty mẹ của Now, Garena và Shopee), Wowa Brothers (công ty mẹ Baemin) và Vertex Holding.

Hôm 8/10, Lê Hoàng Uyên Vy đã chia sẻ với độc giả Vnexpress về định hướng, ưu tiên và nguyên tắc của Do Ventures khi tìm các startup để rót vốn.

Lĩnh vực đầu tư công nghệ ở Việt Nam đã trải qua chặng đường 10 năm, theo Uyên Vy. Trong giai đoạn năm 2017-2018, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gọi thành công những khoản vốn trên 50 triệu USD. 

Dòng vốn đầu tư vào công nghệ ở Việt Nam tăng mạnh, theo Uyên Vy, do môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, dân số trẻ và thu nhập bình quân tăng dần. Ngoài ra, tỉ lệ người dân tiếp cận app, web trên điện thoại rất lớn.

Lê Hoàng Uyên Vy: Làm nhiều mới đúng nhiều, làm ít sẽ không có cơ hội đúng - Ảnh 1.

Lê Hoàng Uyên Vy, người đồng sáng lập Quĩ Do Ventures. (Ảnh chụp màn hình)

Indonesia là một ví dụ mà Uyên Vy đưa ra để mọi người qui chiếu. Khi số người tiếp cận Internet ở Indonesia chỉ là 20 triệu, phong trào khởi nghiệp rất trầm lắng. Nhưng khi con số đó tăng lên hơn 50 triệu, phong trào khởi nghiệp bùng nổ.

Năm 2019, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đạt 64 triệu. Uyên Vy cho rằng đây là con số đủ lớn để tạo tiền đề tăng trưởng cho giới doanh nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến nhiều startup công nghệ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi phần lớn startup công nghệ không có lãi ngay và cũng chẳng có nguồn tiền dồi dào.

"Phần lớn startup công nghệ vẫn phải gọi vốn hoặc tìm mô hình kinh doanh phù hợp để tồn tại. Nhưng do khó khăn chung, các nguồn vốn cạn kiệt và các nhà đầu tư nước ngoài không thể vào Việt Nam, các doanh nghiệp cần vốn đang đối mặt với một giai đoạn cực kì khó khăn", Uyên Vy lập luận.

Song Uyên Vy cũng nhấn mạnh rằng, nếu tình hình thuận lợi, chẳng doanh nghiệp nào cần tới những quĩ đầu tư như Do Ventures. Giai đoạn khó khăn hiện nay là lúc các startup cần sự hỗ trợ của các quĩ đầu tư, đặc biệt là các quĩ nội. 

"Đây cũng là giai đoạn mà những nhà sáng lập thực thụ sẽ xuất hiện, chứ không phải những người lập doanh nghiệp theo phong trào hay xu hướng", Uyên Vy nói.

Đại dịch SARS trong năm 2003 và 2004 đã tạo thời cơ để công ty thương mại điện tử Alibaba của tỉ phú Jack Ma cất cánh và trở thành đế chế hùng mạnh, dù hồi ấy rất ít doanh nghiệp ở Trung Quốc tiếp cận Internet. 

Khủng hoảng kinh tế trong năm 2009-2010 cũng thúc đẩy sự ra đời của nhiều mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả mô hình kinh tế chia sẻ. Ngày nay, nền kinh tế chia sẻ, kết nối đang bùng nổ mạnh mẽ, với những thương hiệu tiêu biểu như Uber, Airbnb, Traveloka. Khái niệm tiền số cũng ra đời sau khủng hoảng kinh tế cách đây một thập kỉ.

"Mỗi cuộc khủng hoảng đều mang tới cơ hội. Do Ventures hướng tới những ngành có dung lượng thị trường lớn nhưng chuyển đổi số chậm. Đại dịch Covid-19 khiến họ phải tăng tốc độ chuyển đổi số", Uyên Vy thổ lộ.

Mặc dù vậy, phạm vi đầu tư của Do Ventures sẽ không giới hạn trong những doanh nghiệp công nghệ thế hệ mới, mà có thể mở rộng tới những ngành truyền thống như du lịch, bán lẻ.

"Điều mà chúng tôi quan tâm khi quyết định rót vốn là startup và người sáng lập có thể tạo giá trị cho khách hàng hay không, và giá trị đó có thể bền vững hay không. Cách mà nhà sáng lập đối diện Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư", Uyên Vi nói.

Người tiên phong là đối tượng mà Do Ventures muốn tìm. Uyên Vy nói rằng nhiều ngành đang phổ biến hiện nay chưa ra đời cách đây 10 năm. Nhiều người tiên phong mà cô từng gặp đã thất bại rất nhiều lần, nhưng khi thành công, họ đã tạo thói quen tiêu dùng mới, ngành mới, nghề mới.

Về thất bại, Uyên Vy cho rằng nếu một nhà khởi nghiệp thất bại lần đầu, người đó phải có khả năng xác định lí do dẫn đến thất bại. Trên thực tế, số phận của những mô hình kinh doanh mới luôn khó lường, song nếu những người tiên phong không xuất hiện, những mô hình ấy sẽ chết yểu.

"Nếu chỉ tưởng tượng và dừng lại ở giai đoạn ý tưởng, bạn sẽ không bao giờ biết bạn đúng hay sai. Hành động là cách duy nhất để bạn tìm ra đáp án", cô nói.

Đầu tư sớm là ưu tiên của Do Ventures. Quĩ có thể rót tiền cho những startup có ý tưởng độc đáo và mới tung sản phẩm ra thị trường. Theo Uyên Vy, quĩ Do Venturres sẵn sàng đầu tư cho startup ngay từ 3 vòng gọi vốn đầu tiên và đồng hành đến khi startup cứng cáp để có thể tự đi tiếp chặng đường tiếp theo.

Nguồn vốn đầu tư vào giới khởi nghiệp Việt Nam đang tăng với tốc độ khá nhanh so với mặt bằng chung của khu vực. Nhưng Uyên Vy cảnh báo rằng, nếu giới doanh nghiệp Việt Nam không tạo ra những sản phẩm có giá trị, dòng vốn sẽ giảm dần.

Rủi ro của chiến lược đầu tư sớm là rất lớn. Tuy nhiên, Do Ventures chấp nhận rủi ro ấy để có thể tác động tới định hướng, chiến lược của nhà sáng lập startup. Theo Uyên Vy, nếu nhà đầu tư sớm chỉ rót vốn mà không mang lại những giá trị khác, rủi ro của họ sẽ rất cao.

Uyên Vy cho rằng khi nhà khởi nghiệp thành công, họ sẽ không có cơ hội nhìn lại. Nhưng khi thất bại, họ sẽ có cơ hội tuyệt vời để rút ra bài học. 

"Lời khuyên của tôi là chúng ta đừng sợ thất bại. Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta phải làm nhiều mới có cơ hội đúng nhiều, còn nếu làm ít, chúng ta sẽ không có cơ hội đúng", Uyên Vy nhấn mạnh.

chọn
Hoàng Huy vượt mục tiêu lãi năm sau 9 tháng nhờ dự án New City và H1 Commerce
Lũy kế 9 tháng năm tài chính 2024 (1/4 - 31/12/2024), doanh thu thuần Hoàng Huy đạt 3.808 tỷ đồng và lãi sau thuế 867 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 152% và 108% kế hoạch cả năm.