Licogi hi vọng việc triển khai KĐT mới Thịnh Liệt có thể cứu vãn tình trạng thua lỗ

Dự báo năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, Licogi vẫn hi vọng việc triển khai dự án KĐTM Thịnh Liệt, các dự án đầu tư công và tái cơ cấu các khoản đầu tư có thể cứu vãn tình trạng thua lỗ của tổng công ty.

Theo Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa được Tổng Công ty Licogi - CTCP (Mã: LIC) công bố, HĐQT Licogi dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.294 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với con số 2.305 tỉ đồng đã thực hiện năm 2019.

LICOGI dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 âm 25,6 tỉ đồng. Trước đó, năm 2019 tổng công ty ghi nhận lỗ 58 tỉ đồng so với kế hoạch lãi 80 tỉ đồng, ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 593 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2019.

Với kết quả kinh doanh năm trước không mấy khả quan và dự báo năm nay sẽ tiếp tục thua lỗ, HĐQT trình cổ đông phương án sẽ không chia cổ tức trong cả hai năm 2019 và 2020.

Licogi hi vọng các dự án đầu tư công có thể cứu vãn tình hình - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020. (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ)

Năm 2020, trước tác động của COVID-19, HĐQT dự báo tình hình kinh doanh của tổng công ty sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2019. Song, cũng mở ra nhưng cơ hội lớn cho Licogi nếu tổng công ty triển khai được dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, tham gia vào các dự án đầu tư công và tái cấu trúc các hoạt động đầu tư thành công.

Dự kiến, trong năm 2020, Tổng công ty sẽ liên danh, liên kết với Licogi 16 (Mã: LCG), Licogi 18 (Mã: L18) để tham gia dự thầu các dự án về đường giao thông Hà Tĩnh Lao Bảo, đường vành đai Đà Lạt-Lâm Đồng, bệnh viện Phú Quý Bắc Giang, Cảng cái mép..., liên danh với Tổng công ty 319 và Lilama 69-2 tham gia đấu thầu gói thầu xây lắp thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Tại ĐHĐCĐ sắp tới, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông phương án thành lập Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu tổng hợp Licogi trên cơ sở nâng cấp từ Chi nhánh Xuất khẩu lao động Licogi. 

Chi nhánh này của Licogi hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Việt Nam ra thị trường nước ngoài mà trọng tâm là Nhật Bản, riêng năm 2019, chi nhánh này đã mang lại cho tổng công ty lợi nhuận 549 triệu đồng.

Theo HĐQT, việc chuyển đổi từ đơn vị phụ thuộc thành đơn vị có tư cách pháp nhân sẽ giúp công ty con này chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh. Năm 2020, tổng công ty sẽ đẩy mạnh mảng xuất khẩu lao động bằng cách mở rộng thị trường sang Ba Lan, Quatar, UAE.


chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.