Vừa qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Cảng hàng không Đồng Hới hiện là sân bay cấp 4C, có một đường cất hạ cánh dài 2,4 km, rộng 45 m. Sân đỗ hàng không dân dụng với 4 vị trí đỗ cho tàu bay A321 hoặc tương đương trở xuống, đáp ứng khai thác 4 chuyến bay/giờ.
Nhà ga hành khách được đưa vào khai thác từ năm 2008 có hai tầng với tổng diện tích mặt sàn nhà ga là 4.282 m2 , gồm hai cửa ra máy bay, đáp ứng 300 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 500.000 hành khách/năm.
Hiện tại nhà ga hành khách CHK Đồng Hới đang phải khai thác vượt công suất thiết kế hơn 50%. Dự kiến đến hết năm 2025, sản lượng vận chuyển hành khách thông qua CHK Đồng Hới ước đạt gần 1 triệu khách.
Như vậy việc đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai và nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách.
Theo ACV (chủ dự án), CHK Đồng Hới nằm cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 6 km về phía Bắc, cách quốc lộ 1A 300 m về phía Đông... Cảng có vị trí tiếp giáp phía bắc giáp xã Lý Trạch; phía nam giáp xã Lộc Ninh và đường Võ Xuân Cẩn; phía đông nam giáp hồ Bầu Tuần; phía tây giáp xã Lộc Ninh.
CHK Đồng Hới có tổng diện tích quy hoạch khoảng 194 ha. Khu vực xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay có diện tích khoảng 15 ha, có vị trí nằm trong tổng thể diện tích của CHK Đồng Hới.
Về hiện trạng của dự án, dự án được thực hiện trên nền đất quốc phòng cần phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và một phần đất hiện trạng CHK Đồng Hới đang khai thác sử dụng, không có đất ở. Song xung quanh khu đất thực hiện dự án tập trung khá đông dân cư sinh sống.
Cách dự án khoảng 300 m về phía bắc là khu dân cư bám trục đường Võ Xuân Cẩn, đường Bùi Viện, mật độ dân số đông đúc; cách dự án khoảng 400 m về phía đông bắc khu dân cư bám trục đường Ngô Gia Tự, mật độ dân số đông đúc. Khoảng cách từ dự án đến các khu dân cư gần nhất trung bình từ 200 - 300 m.
Hiện trạng sân đỗ máy bay của CHK Đồng Hới đảm bảo khai thác các loại máy bay code E như B747, B787, B777, A350…hoặc tương đương. Hiện ACV cũng đang triển khai thi công xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay đồng bộ với hạ tầng khu hàng không dân dụng, đáp ứng theo nhu cầu phát triển của sân bay.
Nhà ga hành khách T1 - CHK Đồng Hới hiện nay được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ tháng 5/2016 phù hợp với quy hoạch được duyệt, với diện tích sàn gần 1,6 ha; diện tích sân đỗ ô tô và đường giao thông 3,6 ha.
Về các hạng mục xây dựng của dự án, diện tích xây dựng nhà ga hành khách T2 khoảng 1,25 ha, diện tích sàn xây dựng gần 18 ha, gồm hai tầng nổi với hai cao trình đi và đến tách biệt, cao 26,7 m (từ mái).
Cùng với đó, nhà ga có hai đảo làm thủ tục hành lý với 28 quầy làm thủ tục, 14 Kios tự làm thủ tục, hai băng chuyền bốc dỡ hành lý và ba băng chuyền trả hành lý đến; nhà ga được kết nối với vị trí sân đỗ máy bay bằng 4 cầu ống lồng dẫn khách, trong đó, có ba cầu ống code C và một cầu ống đôi có thể khai thác một máy bay code E hoặc cùng lúc hai máy bay Code C.
Các khu vực chính của nhà ga bao gồm thềm sảnh đến, sảnh làm thủ tục và kiểm tra an ninh nằm ở tầng 2. Hành lang chung và sảnh chờ được bố trí cùng tầng 2.
Hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe (đường trục tiếp cận vào nhà ga; Đường ra khu xử lý nước thải, khu kỹ thuật; sân đỗ ô tô; vỉa hè, cây xanh) quy mô 6,6 ha.
Về tiến độ dự án, trong cuộc làm việc mới đây của ACV với UBND tỉnh Quảng Bình, đối với dự án thành phần 1 dự kiến khởi công vào quý III năm nay; hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý I/2026; dự án thành phần 2 sẽ được thực hiện trong vòng 17 tháng (đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng dự án thành phần 1).
Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 2.405 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù, GPMB là 75 tỷ đồng; chi phí xây dựng khoảng 1.447 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 643 tỷ đồng; chi phí quản lý 15 tỷ đồng; chi phí tư vấn hơn 95 tỷ đồng; chi phí khác gần 11 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 119 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ 100% vốn chủ sở hữu, từ Quỹ đầu tư phát triển của ACV.
Theo đó, 30 cảng hàng không được hình thành trong giai đoạn này gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).
Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục được duy trì.
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc).
19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ hai phía đông nam, nam Thủ đô Hà Nội).