Theo thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật, trong ngày 21/6, vải Việt Nam xuất sang Nhật đã “cháy hàng”. Toàn bộ lô vải đầu tiên chỉ trong vòng một ngày.
“Khách tiêu dùng rất khen sản phẩm, hiện siêu thị chỉ giữ lại một ít để làmm sự kiện. Còn đâu hệ thống bán lẻ đã hết sạch”, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho hay.
Vị này cho hay giá vải thiều các doanh nghiệp thu mua từ người dân là 38.000 đồng/kg. Trong tuần này, kế hoạch sẽ tiếp tục xuất khẩu 2 - 4 tấn/ngày.
Trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam cho biết giá bán vải thiều tại thị trường Nhật Bản 9 - 10 USD/kg (tương đương khoảng 200.000 đồng/kg). Trong đó, cước phí vận chuyển khoảng 4 USD/kg.
Theo Báo Hải quan, ngay trong ngày đầu tiên sau khi cách li, Cục Bảo vệ thực vật đã cùng chuyên gia giám sát 2 lô vải đầu tiên của Công ty CP Ameii (trọng lượng hơn 1 tấn ) và Công ty Chánh Thu (1 tấn) đi Nhật Bản; tiếp sau đó đó là lô hàng của Aeon (352 kg).
Được biết, trong ngày 20/6, 2 lô hàng xuất khẩu của 2 đơn vị là Công ty Ameii và Công ty Chánh Thu bằng đường biển cũng khởi hành, lên đường sang Nhật Bản, dự kiến sẽ cập cảng sau 7 ngày (mỗi lô khoảng 3 tấn).
Các đơn vị nhập khẩu đầu tiên là Sunrise farm và Yufruits Co Ltd,. Theo kế hoạch xuất khẩu đã đăng ký, đây cũng là 2 nhà nhập khẩu và phân phối chính sản phẩm quả vải tươi của Việt Nam trong niên vụ 2020.
Theo ông Nguyên, sau khi thu mua vải, toàn bộ sản phẩm được xông hơi, khử trùng, sơ chế, làm khô, đóng hộp, đưa vào bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn); sau đó vận chuyển sang Nhật Bản.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ, phía Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn nếu kịp sản xuất nguyên liệu.
Bắc Giang hiện có khoảng 28.000 ha vải thiều tập trung tại 5 huyện gồm: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh.
Trước đó, ngày 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để giám sát quá trình khử trùng vải thiều để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường nước này.