Dịp 30/4 này, hàng loạt dự án giao thông sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đầu tiên phải kể đến là hai đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông bao gồm cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Theo tìm hiểu của người viết, hai cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo hai đoạn tuyến cuối cùng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.
Bên cạnh hai tuyến cao tốc này, tại TP Cần Thơ, hai dự án giao thông cũng được khánh thành, đưa vào sử dụng bao gồm cầu Trần Hoàng Na và cầu Tây Đô.
Tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49 km đi qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ thông xe khoảng 30 km từ đầu tuyến đến nút giao với quốc lộ 46B dịp 30/4. Đoạn còn lại 19 km có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên thời gian hoàn thành được dự kiến vào tháng 6 năm nay.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được khởi công tháng 5/2021, với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, đoạn qua Nghệ An dài 44,4km, Hà Tĩnh dài 4,9 km.
Các nhà thầu thi công gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Hòa Hiệp, CTCP Thái Sơn, CTCP 456, CTCP Thái Yên, Công ty Nam Hải và CTCP VINA2.
Như vậy, sau khi tuyến đường này hoàn thành, thời gian từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) còn 3,5 giờ thay vì mất 5 giờ như khi đi quốc lộ 1. Lễ thông xe sẽ được tổ chức vào chiều mai (28/4), sau lễ thông xe, các phương tiện có thể di chuyển trên cao tốc từ ngày 29/4.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo hình thức PPP do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 78,5 km với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với quy mô 4 làn xe. Theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ được thông xe vào ngày mai (28/4).
Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h. Trên tuyến có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và cầu trên đường kết nối cao tốc với QL1 tại nút giao Du Long. Đến nay các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều đã được hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Tuyến cao tốc này sau khi đưa vào khai thác sẽ nối thông tuyến đường từ TP HCM đến TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) và đi Cam Ranh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), rút ngắn di chuyển từ TP HCM đến Khánh Hòa còn khoảng 4 - 5 giờ chạy xe thay vì quãng đường 8 giờ như trước đây.
Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ngân hàng Thế giới tài trợ được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020.
Ðây là công trình giao thông cấp I, bắc qua sông Cần Thơ với điểm đầu tại bờ Ninh Kiều và điểm cuối tại bờ Cái Răng, có giá trị thực hiện 791 tỷ đồng. Cầu có bề rộng bờ Ninh Kiều là 37 m, bề rộng bờ Cái Răng là 23 m, bề rộng cầu tại nhịp chính là 23 m, nhịp biên là 29,3 m, tại sàn vọng cảnh là 34,6 m; tổng chiều dài cầu kể cả đường dẫn là 820 m.
Cầu được xây dựng dạng cầu vòm chạy giữa gồm 3 nhịp kết cấu theo 49+150+49 m; tổng chiều dài cầu là 587 m. Cây cầu này đã được TP Cần Thơ khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 26/4 mới đây.
Một cây cầu khác bắc qua sông Cần Thơ cũng sẽ được khánh thành vào dịp lễ 30/4 này là cầu Tây Đô nằm trên địa bàn huyện Phong Điền.
Cầu Tây Đô khởi công đầu năm 2022, do Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, gồm hai đơn nguyên, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; trong đó, đơn nguyên 1 đã hoàn thành và thông xe đầu năm 2023.
Đây là 1 trong 8 dự án trọng điểm của Cần Thơ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hiện các hạng mục thi công đơn nguyên 2 đã hoàn thiện và công trình sẽ được tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng nhân dịp 30/4.
Theo lãnh đạo Sở GTVT thành phố, cầu Tây Đô hoàn thành sẽ giải quyết triệt để nút thắt giao thông tại đầu tuyến đường tỉnh 926 và nút giao đường tỉnh 923 thường xuyên bị kẹt xe trong giờ cao điểm, đồng thời giúp kết nối đồng bộ với các cầu của các tuyến đường tỉnh 923 và 926 và tuyến đường tỉnh 918 của thành phố.