Theo Báo Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2025, TP Cần Thơ dự kiến triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm.
Ðến nay, một số công trình đã thi công như cầu Tây Ðô, cầu Cờ Ðỏ. Các công trình còn lại đang thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục đấu thầu và sẽ sớm được khởi công xây dựng trong năm nay.
Sở GTVT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư 2 dự án, gồm: cầu Tây Ðô (huyện Phong Ðiền) và cầu Cờ Ðỏ trên đường tỉnh 919 (huyện Cờ Ðỏ) đã được khởi công xây dựng đầu năm 2022.
Cầu Tây Ðô có chiều dài hơn 700 m (phần cầu Tây Ðô dài 140 m và còn lại là đường dẫn); tổng mức đầu tư hơn 208 tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án sẽ giải quyết kẹt xe tại điểm đầu đường tỉnh 926 với đường tỉnh 923 và đồng bộ với các cầu các tuyến đường tỉnh như đường tỉnh 926, đường tỉnh 923 và đường tỉnh 918 chuẩn bị xây dựng trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Cầu Cờ Ðỏ trên đường tỉnh 919 có tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 369 m (trong đó phần cầu Cờ Ðỏ dài hơn 83 m và còn lại là đường dẫn) nhằm kết nối đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả khai thác của các tuyến đường tỉnh 919, đường tỉnh 922.
Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, đến ngày 5/5, công tác giải phóng mặt bằng thi công cầu Tây Ðô đã tiến hành xét pháp lý được 31/67 trường hợp; chuẩn bị phê duyệt phương án và kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 31 trường hợp, với kinh phí khoảng 23 tỷ đồng.
Về tiến độ thi công cầu, khối lượng thi công ước đạt khoảng 20%; đơn vị đang thi công mố M1, trụ T1 và các hạng mục bê tông của cầu. Vốn được bố trí cho công trình này lũy kế gần 61 tỷ đồng, giải ngân hơn 54 tỷ đồng. Sở GTVT phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành 1 đơn nguyên, năm 2023 hoàn tất đơn nguyên còn lại.
Cầu Cờ Ðỏ đã bàn giao 94% mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhà thầu đang tập trung thi công cọc, trụ và các hạng mục bê tông khác. Vốn được bố trí cho công trình này lũy kế 51 tỷ đồng, giải ngân hơn 31 tỷ đồng. Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 1 đơn nguyên, đơn nguyên còn lại triển khai trong năm 2023.
Lãnh đạo sở GTVT cho biết, các dự án còn lại do Sở GTVT làm chủ đầu tư là đường vành đai phía tây TP Cần Thơ và đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923, đã được HÐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, UBND thành phố phê duyệt dự án.
Ðối với đường vành đai phía tây, công tác giải phóng mặt bằng được chủ đầu tư ký hợp đồng với các quận, huyện để triển khai thực hiện; tiến độ trên 50% về công tác đo đạc, kiểm đếm. Dự án này đang trình Bộ Xây dựng thẩm định các gói thầu để triển khai đấu thầu, dự kiến khởi công 3 gói thầu (gói số 2, 3, 6) trong tháng 6/2022.
Dự án này được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tháng 11/2021, chiều dài hơn 19 km, mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động các nguồn khác. Kế hoạch vốn năm 2022 dự án đã được bố trí hơn 1.495 tỷ đồng.
Về đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923, quận Ô Môn và huyện Phong Ðiền đang thực hiện giải phóng mặt bằng, tiến độ đạt trên 50%; công tác lựa chọn nhà thầu cũng đã hoàn tất, dự án dự kiến khởi công trong tháng 6/2022.
Dự án được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tháng 7/2021, tổng mức đầu tư hơn 576 tỷ đồng, vốn được phân bổ năm 2022 là 110 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các dự án do BQL Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư gồm: Đường tỉnh 921 đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt, điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Ðốc), cầu Kênh Ngang, xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2).
Với các dự án này, Ban đang phối hợp với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn tất thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và trình phê duyệt, dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2022.
Ngoài ra, lãnh đạo sở GTVT cũng cho biết thêm, TP Cần Thơ đang chuẩn bị triển khai thêm 2 dự án giao thông trọng điểm là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ) và đường nối Vị Thanh với TP Cần Thơ giai đoạn II (quốc lộ 61C).
Hai dự án này đã được BQL Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ tham mưu, UBND TP Cần Thơ hoàn chỉnh đề xuất chủ trương đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính để tranh thủ nguồn vốn ODA triển khai đầu tư xây dựng. Thời gian thực hiện 2022 - 2026, vốn đầu tư dự kiến 2.728 tỷ đồng.