Cơ bản thống nhất đầu tư công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đầu tư PPP tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu

Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ hình thức đầu tư công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do các tuyến này có lưu lượng xe chưa cao dẫn tới thời gian hoàn vốn dài; tán thành thực hiện dự án Biên Hòa – Vũng Tàu theo hình thức đối tác công tư để cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Chiều ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư các dự án này. Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ khả năng bố trí nguồn lực, sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng giao thông đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và vấn đề vật liệu xây dựng.

Về hình thức đầu tư của các dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ áp dụng hình thức đầu tư công như Chính phủ đề xuất do các tuyến này có lưu lượng xe chưa cao dẫn tới thời gian hoàn vốn dài, trong khi theo phương thức đối tác công tư khó khả thi.

Đối với dự án Biên Hòa – Vũng Tàu, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ trong việc áp dụng hình thức đối tác công tư để bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 nhằm khai thác đồng bộ với cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay quốc tế Long Thành.

Về phương án thiết kế sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng quy mô đầu tư bề rộng nền đường 17 m sẽ khó bảo đảm an toàn giao thông, dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, đề nghị cần báo cáo cụ thể hơn về quy mô đầu tư phân kỳ và phương án mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh của các dự án.  

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng lúc, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, về vấn đề vật liệu, làm rõ cơ sở phân bổ ngân sách trung ương.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy các quy định và tổ chức thực hiện thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn hạn chế chưa được khắc phục, có thể ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền thu phí.

Chính phủ dự kiến sau khi các dự án hoàn thành sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các dự án này có sự tham gia đầu tư một phần vốn ngân sách địa phương thì có cần phải hoàn trả vào ngân sách địa phương không. Hiện nay, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư vẫn chưa được ban hành theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) dài hơn 117 km, kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài hơn 53 km, kết nối sân bay Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) dài khoảng 188 km, 4 làn xe, tốc độ 80-100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 44.690 tỷ đồng.

Về tiến độ, cả ba dự án chuẩn bị trong năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.