Theo Cổng TTĐT Quốc hội, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án. Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ (quy mô 4 làn xe, mặt đường 17 m, mặt cầu 17,5 m và không có hai làn dừng xe khẩn cấp) chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ôtô cao tốc, do đó đề nghị thuyết minh thuyết phục hơn về quy mô đầu tư phân kỳ này.
Ngoài ra, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến... để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của dự án.
Đồng thời, ông Thanh cho biết, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành rất lớn (35-54,5m), tương đồng với quy mô đường đô thị theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104 : 2007 về đường đô thị và chủ yếu phục vụ cho việc phát triển không gian đô thị.
Hơn nữa, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đường vành đai này không bao gồm các đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ đường song hành là đường đô thị.
Về tốc độ thiết kế, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác (80 km/h) đối với dự án thành phần 3 của đường vành đai 4 để tiết giảm tổng mức đầu tư. Ông Thanh đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm được tiến độ, đền bù thỏa đáng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng lúc, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, về vấn đề vật liệu, làm rõ cơ sở phân bổ ngân sách trung ương, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm “đầu mối” của Hà Nội, TP HCM và các địa phương khác.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành nên được cân nhắc lại do diện tích rất lớn, chi phí có khi còn cao hơn đường chính và có thể sẽ làm tăng tổng mức đầu tư lên rất nhiều. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc sự cần thiết của đường song hành này của hai dự án nói trên.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, có giải trình, thuyết minh thật thỏa đáng, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; nghiên cứu, tính toán nguồn vốn sao cho phù hợp, cân đối các nguồn lực, đánh giá năng lực các nhà thầu… để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của các dự án.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án đường vành đai 3 đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công).
Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT.