Vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP HCM sẽ tạo ra sự 'bùng nổ' tại hai đầu tàu kinh tế

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng sau khi dự án vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM hoàn thành, có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam.

Theo kế hoạch, dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cơ bản hoàn thành trong năm 2024, còn vành đai 3 TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Nhìn nhận về tương lai khi hai dự án nói trên đi vào hoạt động trong thời gian tới, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam. Từ sự ách tắc lâu nay chúng ta phải chịu, khi khai thông, "bùng nổ" sẽ hiện ra.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng chân lý "đường thông" sẽ thể hiện ở ba điểm chính.

Thứ nhất, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. "Công nghiệp theo tinh thần mới là khu công nghiệp đẳng cấp cao', ông Thiên nhấn mạnh.

Thứ hai là vận tải và các tuyến logistics sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, hình thành nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững.

Thứ ba, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dung sự kết nối bầu trời với thế giới. Qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá phát triển.

Với dự án vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai vùng Thủ đô có ý nghĩa đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ, khi Hà Nội là hạt nhân và trung tâm vùng.

Thủ đô Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, khu vực vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía bắc với cao tốc Bắc - Nam phía đông, kết nối với vành đai 3 TP HCM, cho phép hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc.

Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và thúc đẩy kinh tế cho Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. (Đồ họa: Đức Bùi).

Tuyến vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.

"Đối với Hà Nội, vành đai 4 còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là sân bay quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô", ông Tuấn cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ở phía nam Thủ đô, dự án cũng sẽ kết nối với tuyến cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tuyến đường cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, sang cả Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Việc hình thành vành đai 4 mở ra khả năng phát triển các vùng được đô thị hoá, cho phép thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, tạo ra quỹ đất hàng nghìn ha.

Trong khi đó, với dự án vành đai 3 TP HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh tuyến đường có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế cả nước khi góp 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Nơi đây cũng là đầu mối giao thông rất lớn, kết nối với quốc tế. Đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước và hệ thống cảng biển chiếm 1/4 cả nước, trong đó có Cảng Cát Lái là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới", ông Lâm cho biết.

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian TP HCM đến năm 2025).

Theo người đứng đầu ngành giao thông vận tải TP HCM, vành đai 3 là tuyến đường kết nối tất cả đường cao tốc của vùng, nối 4 tuyến cao tốc hướng tâm.

Việc xây dựng công trình sẽ giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ đông sang tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Lâm cho rằng qua nghiên cứu, chỉ số về hạ tầng đường bộ của chúng ta thấp so với thế giới. Việc triển khai và đồng bộ hệ thống cao tốc đô thị vành đai 3 của TP HCM không những giải quyết vấn đề giao thông, kết nối hàng hoá lưu thông, chúng ta còn mở rộng các khu đô thị vệ tinh, mở rộng đồng bộ không gian vùng kinh tế. Từ đó sẽ đóng góp rất lớn đến phát triển bền vững kinh tế của TPHCM và các tỉnh trong vùng.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.