Nguồn vốn làm hai đường vành đai tỷ đô của Hà Nội và TP HCM

Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng vốn đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, triển khai theo phương thức hỗn hợp đầu tư công và hợp tác công tư, còn vành đai 3 TP HCM có tổng vốn 75.370 tỷ đồng dự kiến đầu tư công.

Tại tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết dự án vành đai 4 vùng Thủ đô được triển khai theo phương thức hỗn hợp đầu tư công và hợp tác công tư. Nguồn vốn cho dự án là 85.813 tỷ đồng, chia làm ba dự án thành phần nhưng việc cân đối ngân sách là khó khăn, riêng ba địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên phải cân đối trên 28.000 tỷ đồng.

Cụ thể, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với ba địa phương ba dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp, đều bố trí từ ngân sách Trung ương và địa phương. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận với tổng mức là 29.410 tỷ đồng.

Còn theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, dự án vành đai 3 TP HCM có tổng mức đầu tư là 75.370 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81%, tức 61.000 tỷ đồng. Để bảo đảm giải ngân, sau khi có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, linh hoạt vốn thì phải chuẩn bị giải phóng mặt bằng. 

"Ngay từ khi TP HCM tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT về để nghiên cứu, các hình thức đầu tư, phương thức PPP hay đầu tư công, để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án cơ bản thông xe vào năm 2025, phương án đầu tư công đã được các tỉnh, thành phố thống nhất đề xuất", ông Lâm cho biết.

Về đầu tư công, hiện nay các tỉnh, thành phố theo cơ chế sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần của các tỉnh, riêng Long An 25%. TP HCM và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất, TP HCM là 24.000 tỷ đồng, Bình Dương 9.600 tỷ, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ, Long An khoảng 1.000 tỷ.

Người đứng đầu ngành giao thông TP HCM cho biết TPHCM và các tỉnh, thành phố đã rà soát lại đầu tư công trung hạn, các nguồn dự kiến và đã báo cáo HĐND thảo luận và đã có nghị quyết, cam kết với Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm việc bố trí nguồn lực ngân sách địa phương tham gia dự án với tỷ lệ cơ cấu, nguồn vốn như vậy trong giai đoạn 2025 và giai đoạn sau.

Trong giai đoạn 2021-2025, với các nguồn dự kiến, các tỉnh, thành phố sẽ rà soát lại đầu tư công trung hạn, ưu tiên cho vành đai 3. Rà soát để tăng thu từ nguồn đấu giá quỹ đất cũng như nguồn vốn hợp pháp khác. Tiếp theo là vay lại Chính phủ từ trái phiếu như Bộ Tài chính đã nêu.

Trả lời câu hỏi của TS Nguyễn Sĩ Dũng về việc tìm nguồn vốn, cân đối và bố trí nguồn vốn cho các dự án vành đai, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính Dương Bá Đức cho hay rất may mắn khi hai tuyến đường này đi qua hai vùng kinh tế trọng điểm, chỉ duy nhất có tỉnh Long An nhận ngân sách Trung ương.

Nghị quyết 29 của Quốc hội giao kế hoạch đầu tư công trung hạn có tổng vốn là 2,870 triệu tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 1,5 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1,34 triệu tỷ đồng. Ở mức độ ngoài 10%, đã phân bổ cho bộ ngành và địa phương, ngoài ra có phần để lại chưa sử dụng, đã tập trung cho hai tuyến đường này. Ở đây, đã cam kết đối với phần ngân sách Trung ương, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương.

Thứ hai, về cơ chế lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và địa phương, theo ông Đức, Quốc hội sẽ cho cơ chế. Hiện nay, Khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách đã quy định rõ không dùng ngân sách cấp này chi cho cấp khác.

“Thực tế, Luật Ngân sách chúng ta đã ban hành trong thời gian quá dài, đến nay không còn phù hợp. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới, ngân sách Trung ương chủ đạo, ngân sách địa phương chủ động, và đã đề xuất một số nội dung mà Luật Ngân sách không còn phù hợp”, ông Đức cho biết.

Trong quá trình triển khai, hiện nay Quốc hội cũng đã cho một số cơ chế đặc thù với các địa phương, cho các địa phương thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp cho các địa phương thực hiện nguyên tắc tại chỗ.

Ông Đức cũng cho biết thêm, trong quá trình địa phương chủ động, từng hạng mục sẽ có vướng trong tổ chức thực hiện. Thực tế qua số thu ngân sách của 7 địa phương, đã có bức tranh rất sáng, hết tháng 4 cơ bản các địa phương đều đạt và vượt.

Hiện nay có kiến nghị của địa phương, giao tăng phần cân đối địa phương, đây là điều đáng mừng. Các địa phương đều có quyết tâm, ý chí chính trị để tăng nguồn vốn chia cho đầu tư.

Nghị quyết 29 Khoản 7 Điều 6 đã cho cơ chế các địa phương giao kế hoạch theo ngân sách thực tế, không làm ảnh hưởng bội chi, để đến cuối kỳ họp sẽ cộng lại. Trong Điều 59 Luật Ngân sách cũng cho phép tăng thu ngân sách địa phương, bố trí cải cách tiền lương, có chi cho đầu tư. Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tăng nguồn ngân sách địa phương.

Đối với kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu trung hạn, Phó Vụ trưởng Dương Bá Đức nhấn mạnh, trong Luật Quản lý nợ vay và nợ công không quy định Chính phủ phát hành cho vay. Vì sức ép trong giai đoạn trung hạn phải hoàn thành, nguồn vốn chúng ta phải tập trung. Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nếu khả thi thì khả năng có Hà Nội, TP HCM. 

"Các tỉnh khác truy thu hơi khó. Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ chung cho các địa phương cũng là hợp lý. Và việc này bắt buộc vẫn phải tính trong bội chi ngân sách", ông Đức cho hay.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.