Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP HCM – Cần Thơ trước năm 2030

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Ban quản lý dự án đường sắt và Liên danh tư vấn khi hoàn thiện báo cáo cần nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ.

Ngày 12/5, UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ.  

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cho biết, dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Tuyến đi qua, kết nối 6 địa phương gồm: TP HCM và thành phố Cần Thơ cùng các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long với 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.  

Trên địa phận Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km. Dự kiến, hướng tuyến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với Quốc lộ 91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn từ 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 - 4 giờ như hiện nay.  

Đại diện tư vấn cũng đề xuất điều chỉnh vị trí của nhà ga Cái Răng so với nghiên cứu trước đó. Đơn vị tư vấn cho biết, khu vực dự kiến bố trí nhà ga này có quy hoạch nút giao IC2 giữa tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến nối Quốc lộ 91- Quốc lộ Nam Sông Hậu ra cảng Cái Cui (quận Cái Răng). Do đó, để đảm thuận lợi khi thực hiện dự án, đơn vị tư vấn đề xuất vị trí ga sẽ song song với đường bộ Quốc lộ 91- Quốc lộ Nam Sông Hậu, nằm về phía Tây nút giao IC2 khoảng 1,5 km.  

Dự báo, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sử dụng đường sắt, Liên danh tư vấn cho biết, đến năm 2035, kịch bản trung bình sẽ là hơn 6,4 triệu lượt hành khách và 9,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2050, các con số này tăng lên tương ứng là hơn 22 triệu lượt hành khách và 41 triệu tấn hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt. Dựa vào các số liệu trên, tư vấn cho rằng, tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ cần hình thành chậm nhất là năm 2034 để có thể đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai.  

 

Góp ý cho báo cáo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho rằng, dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ không chỉ người dân Cần Thơ mà người dân Đồng bằng sông Cửu Long đều kỳ vọng. Nếu tranh thủ được nguồn vốn, có nhà đầu tư thì cần thực hiện dự án này sớm hơn, trong giai đoạn 2025 – 2030 thay vì sau năm 2030.  

 

Theo ông Dũng, bởi báo cáo có tính toán lưu lượng xe nhưng sự phát triển của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sau khi các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng hình thành thì lưu lượng xe sẽ tăng gấp nhiều lần.  

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Ban quản lý dự án đường sắt và Liên danh tư vấn khi hoàn thiện báo cáo cần nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ.  

 

Theo ông Hè, thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long, đã được nêu trong Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98-NQ/CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt này mục tiêu là phục vụ cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa; trong đó trọng tâm là kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và các khu vực khác của cả nước. Từ nhà ga Cần Thơ, hàng hóa sẽ được đưa đi các tỉnh trong khu vực và ngược lại thông qua các trục đường được xây dựng đồng bộ, kết nối với tuyến đường sắt.  

“Để phục vụ cho sự phát triển chung theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, dựa trên các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, thành phố Cần Thơ đề xuất dự án này phải được đầu tư sớm, chậm nhất trước năm 2030 phải triển khai”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nói.  

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật lại phương án tuyến nhà ga đường sắt để đưa vào quy hoạch tích hợp chung của thành phố đang thực hiện. Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và quận Cái Răng rà soát, bổ sung quy hoạch lại các trục đường để kết nối vào tuyến đường sắt cho đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Các tuyến đường giao thông này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các địa phương trong vùng để vận chuyển hàng hóa, hành khách về khu vực nhà ga đường sắt.

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan bổ sung, bố trí lại quỹ đất ở khu vực dự kiến xây dựng nhà ga, tận dụng lợi thế từ dự án để phục vụ tốt nhất cho việc phát triển kinh tế-xã hội của quận Cái Răng. Đồng thời, quy hoạch một khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Nhận xét, báo cáo tiền khả thi của Liên danh tư vấn đã nhận được sự đồng thuận cao từ các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè mong muốn Ban Quản lý dự án đường sắt sớm trình cho Bộ Giao thông Vận tải và các cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét, quyết định thực hiện dự án. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.