TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều có vị trí tại vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, TP HCM hiện hữu có diện tích khoảng 2.095 km2; Bình Dương hiện có diện tích khoảng 2.695 km2, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương là TP Thủ Dầu Một, cách trung tâm TP HCM 30 km theo đường QL 13. Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích khoảng 1.983 km2, tỉnh lỵ hiện tại là TP Vũng Tàu.
Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/4 vừa qua, ba địa phương bao gồm TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được sáp nhập.
Theo đó, sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thành 1 thành phố trực thuộc trung ương có tên gọi là TP HCM, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận 1, TP HCM hiện nay (giảm hai tỉnh), có diện tích tự nhiên khoảng 6.773 km2 và quy mô dân số 13,6 triệu người.
Về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bình Dương nhất trí chủ trương giảm từ 91 xã, phường còn 36 xã, phường.
Đối với TP HCM, theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của địa phương này, từ 273 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sắp xếp thành 102 đơn vị mới.
Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương này từ 77 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay, sau sắp xếp sẽ còn 30, gồm 11 phường, 18 xã và 1 đặc khu Côn Đảo.
TP HCM mới sẽ có diện tích tự nhiên gần 6.772,6 km2 và quy mô dân số khoảng 13,7 triệu người. (Ảnh: Hải Quân).
Hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung hiện đang được đẩy mạnh đầu tư. Trong đó, một số dự án giao thông tăng tính kết nối giữa ba địa phương TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu như Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM, metro TP HCM - Bình Dương, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng tuyến quốc lộ 13...
Đầu tiên là tuyến Vành đai 3 TP HCM - trục giao thông trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ hiện đang được thi công xây dựng. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 76 km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe); giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe) đầu tư không liên tục.
Dự án đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Bản đồ hướng tuyến Vành đai 3 TP HCM. (Ảnh: Báo Đầu tư).
Tiếp đến là tuyến Vành đai 4 TP HCM, đây là công trình giao thông liên vùng chiến lược, kết nối các tuyến cao tốc trọng yếu như Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây…
Tuyến có chiều dài 159 km đi qua 5 tỉnh thành bao gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP HCM.
Dự án có mặt cắt ngang 74,5 m, giai đoạn 1 triển khai 4 làn cao tốc. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 120.412 tỷ đồng. Riêng đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến chia làm 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 8.579 tỷ đồng. Dự kiến, công tác tái định cư, bồi thường bắt đầu từ 2025, khởi công năm 2026 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2029.
Hướng tuyến Vành đai 4 TP HCM thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh.
Dự án mở rộng quốc lộ 13, tuyến đường này được coi là "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TP HCM. Đến tháng 2 vừa qua, HĐND TP HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Theo đó, quốc lộ 13 với chiều dài khoảng 6,3 km, nối từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình sẽ được mở rộng lên 60 m. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 21.700 tỷ đồng. Việc bàn giao mặt bằng sẽ bắt đầu triển khai từ quý III tới và hoàn tất vào tháng 2/2026.
Bên cạnh đoạn quốc lộ 13 trên, đoạn tuyến từ Cổng chào Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) dài khoảng 13 km hiện đang mở rộng về bên phải hai làn xe lên 64 m.
Đoạn quốc lộ 13 sẽ mở rộng thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh.
Một tuyến quốc lộ khác tuy không trực tiếp đi qua hai địa phương bao gồm TP HCM và Bình Dương, song cũng đóng vai trò quan trọng để kết nối hai địa phương nay với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tuyến quốc lộ 51.
Với chiều dài khoảng 64 km, quốc lộ 51 kết nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời là một trong những tuyến quốc lộ có mật độ giao thông cao nhất cả nước.
Đối với tuyến quốc lộ này, nhà đầu tư là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM đã đưa ra hai phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, theo phương án 1, dự án có chiều dài tuyến là 5,5 km, trong đó phần cầu cạn dài hơn 4,9 km. Tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị 6 làn xe cơ giới. Phương án này có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng.
Với phương án 2, dự án có chiều dài tuyến là 6,1 km, trong đó, riêng phần cầu cạn dài hơn 5 km. Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án là gần 15.000 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 25 năm 8 tháng.
Đối với tuyến đường này, Bộ Xây dựng mới đây đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc nghiên cứu phương án nâng cấp quốc lộ 51 thành đường cao tốc đô thị.
Quốc lộ 51 thể hiện trên bản đồ Googe vệ tinh (màu xanh là đoạn đang nghiên cứu mở rộng, màu đỏ là đoạn tuyến hiện hữu).
Về cao tốc, hiện nay, tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang được thi công đoạn đi qua tỉnh Bình Dương. Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 59,2 km. Trong đó đoạn qua Bình Dương dài 52,1 km; qua Bình Phước 7,1 km.
Ngoài ra còn đoạn nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài khoảng 7 km, gồm 4 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư quy mô đường đô thị 8 làn và 3 km địa phận TP HCM chưa đầu tư.
Giai đoạn 1 của tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe; tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng, riêng chi phí xây lắp hơn 8.833 tỷ đồng, được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Dự kiến hoàn thành năm 2027.
Hướng tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua TP HCM và Bình Dương (màu đỏ) thể hiện trên bản đồ định hướng và phát triển không gian TP HCM.
Cùng với đó, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được thi công xây dựng trên toàn tuyến. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km). Toàn tuyến có tổng mức đầu tư 24.117 tỷ đồng.
Tuyến được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 100 km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 - 6 làn xe theo từng đoạn; giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe.
Dự án được đặt mốc tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026 theo yêu cầu của nghị quyết Quốc hội và Chính phủ. Vừa qua, đoạn tuyến dài 20 km qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được thông xe.
Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (màu đỏ).
Bên cạnh hệ thống đường bộ, tuyến metro kết nối TP HCM và Bình Dương cũng đang được nghiên cứu xây dựng, UBND tỉnh Bình Dương đã xem xét thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tuyến metro này sẽ nối dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP HCM từ bến xe Suối Tiên đến nhà ga S1 tại thành phố mới Bình Dương.
Tuyến metro TP HCM - Bình Dương dự kiến có chiều dài hơn 32 km, tốc độ thiết kế 120 km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 64.370 tỷ đồng. Dự án được đề xuất khởi công từ năm 2027, đưa vào vận hành từ năm 2031.
Hướng tuyến metro kết nối TP HCM và Bình Dương. (Ảnh: VOV).
Cùng với đó, đường sắt TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư hiện cũng đang được nghiên cứu đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 220.000 tỷ đồng (khoảng 9,3 tỷ USD).
Tuyến đường sắt có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Tổng chiều dài toàn tuyến là 175,2 km với 13 ga toàn tuyến. Dự án qua địa phận 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Đường sắt đầu tư theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, sức kéo điện, tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h. Dự án hiện nay đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ.
Hướng tuyến đường sắt TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến, hoàn thành trong năm nay. Sau đó, dự án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội trong năm 2025; xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, khởi công trước năm 2030 và hoàn thành trước năm 2035.