Bình Dương sẽ thu hồi gần 275 ha đất làm cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua Bình Dương có chiều dài tuyến gần 46 km. Địa điểm thực hiện tuyến cao tốc sẽ đi qua địa giới hành chính các huyện, thành phố bao gồm Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.

Hướng tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. (Ảnh chụp từ Báo cáo ĐTM dự án).

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về Danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, tỉnh bổ sung vào danh mục công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 là 17 công trình, dự án với tổng diện tích 282 ha. Trong đó, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong năm nay sẽ được tỉnh Bình Dương thực hiện thu hồi gần 275 ha đất.

Cụ thể, đối với Dự án thành phần 1: GPMB cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - đoạn qua tỉnh Bình Dương, tỉnh thực hiện thu hồi đất tại 4 địa phương là huyện Bắc Tân Uyên; huyện Bàu Bàng; TP Tân Uyên và huyện Phú Giáo.

Trong đó, huyện Bài Bàng thu hồi gần 9,2 ha; huyện Bắc Tân Uyên là 33,7 ha; TP Tân Uyên là 97 ha (trong đó có hơn 36 ha đất trồng lúa); huyện Phú Giáo là gần 136 ha (trong đó có gần 2 ha là đất trồng lúa).

Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, điểm đầu của tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương nằm tại vành đai 3 TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối nằm tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án).

Tổng chiều dài tuyến gần 46 km. Địa điểm thực hiện tuyến cao tốc sẽ đi qua địa giới hành chính các huyện, thành phố bao gồm Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tổng diện tích đất GPMB của dự án khoảng 322,5 ha. Về tiến độ, dự án dự kiến phê duyệt đầu tư vào quý II/2024; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù GPMB vào quý III/2024; khởi công dự án vào quý IV/2024; thanh thải, hoàn thành dự án đến hết quý IV/2027. Thời gian thi công dự án dự kiến ba năm.

Tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Vốn tham gia của Nhà nước là 8.530 tỷ đồng. Dự kiến đảm nhiệm các hạng mục bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 246 tỷ đồng. Vốn huy động từ Nhà đầu tư: 8.878 tỷ đồng; trong đó 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

chọn
Vì sao các phiên đấu giá đất có mức khởi điểm thấp?
VARS cho rằng, việc một số địa phương vẫn sử dụng bảng giá đất hiện hành làm giá khởi điểm đấu giá đất khiến giá khởi điểm không phù hợp với thực tế, làm giá đấu trúng chênh lệch rất lớn so với giá khởi điểm, tạo nên sự đột biến, bất thường.