Depot Long Bình của metro Bến Thành - Suối Tiên hiện tại. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).
Theo Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương, ngày 11/4, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, HĐND tỉnh khóa X đã tổ chức Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng.
Kỳ họp đã xem xét, thông qua Đề án huy động nguồn lực thực hiện dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Thành phố Mới Bình Dương - Suối Tiên, TP HCM).
Đại diện Sở Tài chính cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 phù hợp với quan điểm phát triển đường sắt trong điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án có điểm đầu tại Ga SI - ga trung tâm Thành phố mới thuộc phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, điểm cuối tại Ga Bến xe Suối Tiên (tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM) thuộc phường Bình Thắng, TP.Dĩ An.
Chiều dài tuyến chính 32,4 km, đi qua 4 thành phố bao gồm Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, có tốc độ thiết kế 120 km/h. Dự kiến có 19 nhà ga và 01 đề pô tại phường Phú Chánh, TP Tân Uyên.
Hướng tuyến đi trên cao từ ga trung tâm Thành phố mới (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP HCM - Lộc Ninh), theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX 01, đi theo đường ĐX 01 đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng đến ga Suối Tiên.
Tuyến kết nối Thành phố Mới trung tâm tỉnh, TP Thuận An, TP Dĩ An với khu du lịch Suối Tiên, đồng thời cùng tuyến metro số 1 (Suối Tiên – Bến Thành) của TP HCM tạo thành tuyến đường sắt đô thị của vùng (Thành phố mới - Suối Tiên - Bến Thành).
Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn tuyến dự án (phương án 1) khoảng 64.370 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách tỉnh 28.109 tỷ đồng (44%); khai thác TOD: 23.387 tỷ đồng (36%); vốn Trung ương hỗ trợ: 12.874 tỷ đồng (20%).
Đối với phương án 2, đầu tư từ vòng xoay A1 đến Suối Tiên, chưa đầu tư đề-pô tại Tân Uyên mà dùng chung đề-pô Long Bình của TP. Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.301 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách tỉnh 21.654 tỷ đồng (39%); khai thác TOD: 23.387 tỷ đồng (41%); vốn Trung ương hỗ trợ: 11.260 tỷ đồng (20%).
Về lộ trình thực hiện, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2025. Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tháng 6 - 7/2025. Khởi công dự án năm 2027. Hoàn thành và vận hành năm 2031.