Chiều 8/9, trên trang Facebook cá nhân, Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News), công bố thông tin về vụ kiện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada.
Với tiêu đề "Tức nước vỡ bờ", ông Phước thổ lộ rằng hơn 2 năm phát hiện các sàn TMĐT ở Việt Nam trực tiếp, gián tiếp tiếp tay tiêu thụ sách giả số lượng lớn của các nhà xuất bản ở Việt Nam và của First News, công ty đã nhiều lần cảnh báo, hai lần họp báo cảnh báo trực tiếp ở TP. HCM vào ngày 18/6/2019 và ở Hà Nội vào ngày 20/6/2019.
"Nhưng Lazada vẫn phớt lờ, bất chấp. Suốt trong đại dịch, Lazada là trung tâm bán sách giả nhiều nhất", ông khẳng định.
Ông Phước kể rằng ngay sau khi phát hiện 3 trùm in lậu ở Hà Nội làm giả tác phẩm "Muôn kiếp nhân sinh", công ty đã đặt mua ngẫu nhiên 86 đơn hàng các sách của Trí Việt, các nhà xuất bản khác và cuốn "Muôn kiếp nhân sinh đang giảm giá hơn 50% trên Lazada.
Ở văn phòng thừa phát lại, khi người của công ty mở sách, họ nhận thấy tất cả đều là sách giả, kém chất lượng và sai sót. Thực tế ấy khiến ông Phước kết luận các gian hàng trên sàn Lazada và các tội phạm in lậu có một mối quan hệ mật thiết.
Với các thông tin do báo chí đưa tin, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó phòng tranh tụng thuộc Công ty Luật TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nhận định rằng ông chưa có đủ căn cứ để đánh giá Lazada tiếp tay cho các đối tượng buôn sách lậu hay không.
"Vi bằng của văn phòng thừa phát lại có thể trở thành bằng chứng trước tòa theo các qui định của pháp luật về thừa phát lại", ông phát biểu.
Luật tố tụng qui định chứng cứ phải có giá trị chứng minh trong vụ việc nhất định. Do đó, chúng ta cần phải xác định sự việc mà các vi bằng mà Công ty First News - Trí Việt lập ra ghi nhận, và sự việc đó chỉ rõ sự liên quan, sự tiếp tay của Lazada cho các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi hay không.
"Nếu vi bằng chỉ thể hiện rằng các cuốn sách mà công ty mua thông qua sàn giao dịch điện tử là sách lậu, sách giả thì cơ quan chức năng cũng chưa thể đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự", ông Hùng nhận định.
Tuy nhiên, ông nói rằng, khi các cơ quan chức năng khi tiếp nhận thông tin, đơn tố cáo của Công ty First News - Trí Việt, họ sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh nội dung tố cáo của công dân theo quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và thông báo tới người tố cáo, tố giác tội phạm.
Khoản 1, Điều 3, nghị định 52/2013 định nghĩa hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ qui trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Về mặt thực tiễn, sàn giao dịch điện tử giống như là một khu "chợ", nơi người mua và người bán cùng tìm đến để giao dịch, trao đổi.
"Liệu rằng có vô lí không nếu như thương nhân bán hàng giả nhưng người mua lại kiện Ban quản lý chợ?", ông Hùng đặt câu hỏi, đồng thời nói rằng câu trả lời là "có" và "không".
Giả thuyết thứ nhất có thể là Lazada không hề biết và không mong muốn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện trên sàn của họ, bởi lẽ chúng sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của sàn giao dịch.
Hàng giả, hàng lậu xuất hiện hoàn toàn là do các thương nhân bày bán, và đánh lừa chính sàn giao dịch điện tử về xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp ấy, người ta có thể coi Lazada là bị hại của hành động vi phạm.
Bên cạnh đó, tính chất của sản giao dịch điện tử lại không giống với như mô hình "chợ" truyền thống. Tại đây người bán, người mua không tiếp xúc, các chứng từ giao dịch cũng có tính chất riêng, rất dễ cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Các sàn giao dịch cần phải nhận biết, đánh giá sơ bộ về chất lượng hàng hóa các thương nhân bán và cần kiểm soát chặt chẽ trong quá trình giao dịch.
"Nếu cơ quan chức năng đã có qui chế quản lí chặt chẽ nhưng Lazada lại không thực hiện hoặc biết là hàng giả những vẫn xét duyệt bán thì họ đã tiếp tay cho gian thương", ông Hùng nhấn mạnh.