Buổi tối, giữa tháng 1, tôi gặp Lê Thị Tú Cẩm (25 tuổi, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) khi chuyển từ khoa cấp cứu lên khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, lúc đó Cẩm còn nói được dù yếu ớt.
Gần một tháng nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đà Nẵng, Cẩm teo tóp dần rồi nằm yên một chỗ. Giọng nói bị cắt luôn. Cẩm yếu đến mức không thể chuyển lên Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để chẩn bệnh, bệnh viện phải mời bác sĩ đến, cùng hội chẩn.
Bị chồng bỏ khi nhập viện, Cẩm chỉ còn lại mẹ là bà Thu (ảnh chụp hai mẹ con lúc ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) - Ảnh: TRẦN MAI |
Cầu mong ai đó chỉ tôi cách để cứu con, cứu cháu. Nếu cháu tôi chào đời mà Cẩm mất thì cũng thành trẻ mồ côi. Mà cả hai mất thì tôi cùng lúc mất cả con lẫn cháu. Cái nào cũng đau Bà NGUYỄN THỊ THU |
Giữ con bằng mọi giá
Cẩm bị "nhược cơ", đó là kết quả sau một tuần làm hàng tá xét nghiệm và cả một hội đồng y khoa làm việc cật lực. Nửa tháng sau đó, Cẩm đi lại và nói được, cả phòng bệnh ai cũng mừng. Tiền vơi dần nhưng sức khỏe Cẩm tốt lên, đứng từ tầng bảy, BVĐK Đà Nẵng, Cẩm đã nghĩ cuộc đời mình sẽ xanh tươi trở lại.
Cẩm chia sẻ: "Bác sĩ nói em bỏ thai trong bụng đi, vì không đủ sức nuôi thai. Nhưng em tin mình khỏe lại thôi. Em thà chết chứ không bỏ con".
Vậy mà chỉ vài ngày sau đó, Cẩm quỵ ngã khi đang đi, rồi cô được chuyển đến phòng hồi sức tích cực. Bác sĩ thông báo: "Phác đồ không đáp ứng tốt, nên bỏ thai để tăng khả năng thích ứng thuốc để điều trị có kết quả tốt hơn và giữ lại sinh mạng mẹ, nếu không cả hai mẹ con sẽ ở tình trạng nguy hiểm".
Cẩm không chịu. Cô khóc như mưa. Sau đó thì cô không còn đi lại được. Yêu cầu cuối cùng của Cẩm là được kiểm tra thai trước khi chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy. "Thai nhi phát triển bình thường", bác sĩ thông báo.
Có lẽ tin tốt lành của đứa con đang lớn dần trong bụng đã giúp Cẩm mạnh mẽ trong chuyến đi dài từ Đà Nẵng vào TP.HCM, với sự trợ giúp của thiết bị y tế và bác sĩ đi cùng. Tin nhắn cuối cùng Cẩm gửi cho tôi: "Em đi vô Sài Gòn. Em muốn khỏe cho đến khi con ra đời".
Ngày cuối cùng của tháng 5, tôi gặp Cẩm khi cô quay về lại BVĐK Quảng Ngãi, nằm ở khoa hồi sức tích cực. Cẩm chỉ còn da bọc xương, bác sĩ đã phải mổ khai phế quản nơi cổ để hỗ trợ cô thở.
Ăn uống với cô là không thể, tất cả đều phải truyền qua tĩnh mạch. Hai cái ống lớn hơn đôi tay cắm thẳng vào cổ và mũi, chiếc máy theo dõi nhịp tim hiện rõ từng nhịp lên xuống không đều, đôi khi kéo một đường thẳng rồi mới trở lại như cũ.
"Con em khỏe không?" - tôi hỏi. Cô gật đầu: "Nhưng sức khỏe em quá yếu, bác sĩ khuyên nên bỏ thai sẽ tốt hơn cho em". Rồi cô lắc đầu: "Em vầy làm sao sinh con, rồi nuôi con nữa". Cô khóc và cho biết bác sĩ khám thai nhi cách đây mấy ngày và báo cho cô biết đứa bé phát triển tốt.
Cẩm chẳng nói được gì, chỉ có tiếng thở khò khè nơi cổ phát ra nặng nề dù có máy trợ thở. Chốc chốc, Cẩm đặt tay lên bụng, nơi đứa trẻ đã đến tháng thứ năm của thai kỳ. Đó là nơi có da có thịt nhất trên cơ thể Cẩm. Có lẽ bao nhiêu sức lực cuối cùng, Cẩm đã đổ dồn vào đó.
Cẩm ra dấu yếu ớt bằng những ngón tay, một lúc tôi mới hiểu cô muốn có tờ giấy và cây bút. Dòng chữ nguệch ngoạc Cẩm viết: "Em phải sống để nhìn thấy con rồi chết cũng mãn nguyện".
Những dòng chữ nguệch ngoạc của Cẩm: “Em phải sống để nhìn thấy con rồi chết cũng mãn nguyện” - Ảnh: TRẦN MAI |
Những lời cuối cùng
Bà Nguyễn Thị Thu (48 tuổi), mẹ Cẩm, đã theo hành trình kiên cường của Cẩm và chứng kiến toàn bộ sự quyết liệt của Cẩm giữ lại con. Đau riêng giấu để vui chung, bà Thu vẫn nhớ tất cả.
Hôm đưa Cẩm từ Đà Nẵng vào Bệnh viện Chợ Rẫy được ba ngày thì Cẩm lại lên cơn co giật. Những lời cuối cùng Cẩm nói, rồi mất tiếng vĩnh viễn vẫn còn in hằn trong trí nhớ của bà Thu. "Con sợ không giữ được con của con, con chết là con mất con của con đó mẹ..." - bà Thu kể.
Trấn an con, bà Thu lao đi kêu bác sĩ, trở lại giường bệnh thì Cẩm đã nằm bất động. "Cẩm ơi, Cẩm ơi, ráng lên vì con của con chứ. Tôi vừa gọi vừa lay. Bác sĩ xuống thì Cẩm đã chết lâm sàng. Hô hấp nhân tạo mãi con bé mới có nhịp tim. Phải ba ngày sau Cẩm mới tỉnh lại" - bà Thu kể.
Dựa trên kết quả nhược cơ mà các đồng nghiệp Đà Nẵng cung cấp, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục tìm bệnh. Bà Thu đổ gục thêm một lần nữa khi hay tin bệnh của Cẩm còn nặng hơn.
"Cẩm bị teo cơ tủy sống tiến triển, bệnh này cực hiếm. Xác suất 1/10.000. Đây là bệnh rối loạn thần kinh cơ di truyền hiếm gặp, do mất đi các nơron vận chuyển, dẫn đến sự tàn phá cơ. Cẩm bị tàn phá cơ nơi cổ mạnh nhất, tiếp đến là tứ chi.
Nơron vận động chết đi nhanh chóng gây nên sự mất chức năng của các cơ quan chính, nhất là hệ hô hấp và viêm phổi. Nếu không thở máy thì sẽ chết bất cứ lúc nào" - bà Thu nói như một chuyên gia y tế.
Bà Thu đã đọc bệnh lý của con đến thuộc lòng. "Hôm đó bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nói với tôi bệnh này chưa có thuốc chữa, mức độ nguy hiểm cực lớn nếu giữ thai. Vậy mà, cách đây ba ngày, kết quả khám thai cho thấy bé trai trong bụng Cẩm phát triển rất tốt. Cơ thể suy kiệt của Cẩm gần như chẳng liên quan gì đến sự phát triển của đứa bé".
"Thật kỳ lạ, cơ thể mẹ sống lây lất mà thai nhi vẫn phát triển đúng theo tiến độ thai kỳ. Y như là toàn bộ sức lực dồn hết vào bụng nuôi con vậy. Quá hiếm, đến mức không thể tin được" - vị bác sĩ nói.
Bản năng người mẹ
Lúc ở BVĐK Đà Nẵng, Cẩm có kể về cuộc đời mình. Cô có chồng và đã có một bé gái kháu khỉnh.
Đôi vợ chồng trẻ cũng nhiều khi lục đục, nhưng cô không thể ngờ ngày mình đổ bệnh, mối lương duyên ấy đứt gãy hoàn toàn. Khi bệnh cô trở nặng thì người chồng mang con gái đã 2 tuổi về nhà mẹ đẻ ở, bỏ mặc vợ. Bà Thu xót con, mang đi chạy chữa.
Khi biết bệnh mình không có thuốc chữa, Cẩm đề nghị chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về BVĐK Quảng Ngãi để gần con gái. Cuộc gặp nào cũng là nước mắt. Hai tháng điều trị ở BVĐK Quảng Ngãi, cô gặp con được 5 lần. Đứa trẻ khóc ré vì chẳng nhận ra người đang nằm với một mớ ống chằng chịt kia là mẹ mình.
'Mãn nhãn" với màn trình diễn pháo hoa Quán quân Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017
Màn trình diễn pháo hoa của đội Martarello - Ý đúng ngày Quốc khánh đã làm nên một bản giao hưởng sống động của âm ... |