Muôn kiểu lì xì dịp Tết Nguyên đán

Ngày Tết, người lớn lì xì cho trẻ con để chóng lớn, chăm ngoan và học giỏi. Người trẻ lì xì cho người già để chúc mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Lì xì ngày Tết có ý nghĩa là vậy nhưng phong tục này đang bị làm xấu đi.

Ở trong bài viết này, xin chưa nói đến câu chuyện biến tướng của lì xì khi người ta coi đó là cái cớ để biếu xén, nhờ vả…mà chỉ cần nói câu chuyện lì xì trong mỗi gia đình thôi cũng đủ làm "đau đầu" không ít nàng dâu, chàng rể mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Muôn kiểu lì xì

Mở phong bao lì xì của dì Hảo, Tèo bĩu môi trước mặt khách: “Cô này keo quá, lì xì gì mà có 20 nghìn, chả bằng một tẹo tiền của bác Thắng ban sáng”. Câu nhận xét hồn nhiên của đứa trẻ khiến cả khách lẫn bố mẹ cậu bé ngượng đỏ mặt.

Chỉ sau khi khách ra về, dù là ngày mồng 1, lẽ ra không để trong nhà có tiếng khóc và kiêng không đánh trẻ, bố Tèo vì quá tức giận vẫn phải phát mông bé mấy cái cho chừa cái tật “làm bố mẹ xấu mặt”.

Còn Tèo, khi bị bố phạt đòn cậu học sinh lớp 2 vẫn không hiểu vì sao. Miệng cứ liên tục kêu oan rằng: “Tiền của cô nhà quê thua tiền của bác Thắng”.

muon kieu li xi di p te t nguyen da n
Lì xì cho các con - cháu trong gia đình khiến các chàng rể, các nàng dâu gặp nhiều phen hú vía.

Còn chị Nga, cũng như mọi năm, sáng mồng Một Tết, sau khi làm mâm cơm thắp hương ở nhà, chị Nga cùng chồng và các con sẽ về Tết gia đình bên nội. Đã thành lệ, sau lời chúc mừng là màn lì xì cho bố mẹ chồng, các em chồng và các cháu.

Năm nay, cơ quan làm ăn khó khăn, thưởng Tết của chị giảm gần một nửa, nên vì thế tất cả các khoản chi Tết chị cũng phải tiết kiệm, cắt giảm. Tiền mừng tuổi cũng vậy. Năm ngoái, chị mừng tuổi bố mẹ chồng mỗi người 500 ngàn, năm nay chị rút xuống chỉ còn 300 ngàn. Các cháu đông nên từ 100 ngàn, chị rút xuống còn 50 ngàn.

Biết làm thế sẽ có sự so sánh nhưng chị Nga không còn cách nào khác. Lúc rút tiền ra mừng tuổi, ông bà thì không biểu lộ thái độ gì nhưng với bọn trẻ, chúng đưa mắt nhìn nhau khi “bác trưởng” hoành tráng nhất nhà lại chỉ mừng 50 ngàn, bằng nửa mọi năm lại còn kém hơn cả chú hai. Chồng chị thấy vậy, kéo tuột chị vào nhà, thể hiện rõ không bằng lòng “Sao mẹ mày làm thế. Không hơn được năm ngoái cũng phải bằng chứ”.

Mùng một Tết, giải thích loằng ngoằng không tiện, chị chỉ nói với chồng “anh có tiền thì mừng thêm đi. Cả hai vợ chồng mừng có sao”. Nói thế nhưng khổ nỗi chồng chị Nga cũng không phải người kiếm ra tiền, đồng lương anh công nhân kỹ thuật, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Tết đến chỉ việc biếu bố mẹ vợ đôi đồng cũng chị lo thì lấy đâu ra mà mừng tuổi hoành tráng.

Đưa con về quê chơi Tết với ông bà nội, chị Hoa, ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng ngượng "chín mặt" khi đứa con gái 6 tuổi bĩu môi "mừng tuổi có mỗi 10 nghìn đồng". Bất ngờ trước tình huống này, chị Hoa lúng túng mời vị khách của bố mẹ chồng ngồi chơi, uống nước rồi vội vàng xin phép đưa con vào phòng trong.

Chị Hoa tâm sự mình cũng vô ý khi không dạy con từ trước, và cũng không để ý là con năm nay học lớp 1, đã biết phân biệt mệnh giá tiền nên mới để xảy ra tình huống dở khóc dở cười này.

muon kieu li xi di p te t nguyen da n

“Cách cho hơn của đem cho”

Ngày Tết với nhiều người, chuyện biếu tiền ông bà, cha mẹ, người thân...là câu chuyện không hề đơn giản, bởi mỗi người mỗi hoàn cảnh. Ngay như các cán bộ, công chức nhà nước là những người được coi là có thu nhập khá ổn định, “đóng khung” trong một mức nhất định thì việc tiêu gì, như thế nào, biếu ai cũng vẫn là câu chuyện dài phải tính toán.

Như Hiền, lấy chồng tận Cà Mau gọi điện kể về lần đầu tiên Hiền đón Tết ở quê chồng: “Nhắc đến chuyện lì xì mình thấy ớn quá. Hai vợ chồng cầm được hơn 20 triệu tiền mặt lo Tết thế mà đến giao thừa đã hết sạch. Nửa đêm 30 lại phải lóc cóc chạy đi ra cây ATM rút tiền để sáng mùng một có tiền lì xì”.

Ngoài tiền mừng tuổi cho bà nội, bà ngoại, bố mẹ chồng, vợ chồng cô phải lì xì cho em họ, cháu họ, cả con nhà láng giềng…

“Ban đầu chồng mình mang một cục tiền mới phát cho mỗi đứa 100.000 đồng. Hết 100.000 đồng chuyển sang 50.000 đồng, vậy mà trẻ con hàng xóm đến ngày càng đông, nhắm không cầm cự được, chồng mình phải đi đổi ra tiền 20.000 đồng… Đến khi nhìn lại hơn chục triệu đồng biến mất tiêu” - Hiền kể.

Tiền mừng tuổi, dù nó chỉ là một khoản trong “danh mục” phải chi nhưng cũng phải đảm bảo cân bằng với các khoản chi khác, vì thế với nhiều nàng dâu, chàng rể chuyện mừng tuổi bao nhiêu cũng trở nên “đại sự”.

Vẫn biết, mừng tuổi là nét đẹp văn hóa ngày tết, một chút gọi là lấy lộc lấy may cho khởi đầu một năm mới nhưng sao có nhiều vẫn quá quan trọng chuyện mừng bao nhiêu. Bởi, họ quan niệm tiền mừng tuổi càng lớn càng khẳng định “đẳng cấp, vị thế” không những ngoài xã hội mà trong cả chính gia đình mình.

Ý nghĩa của tục lì xì

Người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, hằng năm, cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì” lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Khách tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng hay nhẹ nhiều không phải là điều đáng để tâm lắm.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.