Trước đó, Mỹ cũng cấm Huawei tiếp cận và sử dụng các công nghệ Mỹ. Cùng thời điểm, Semiconductor Manufacturing International Corp, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, cũng bị thêm vào nhiều danh sách hạn chế kinh doanh với các nhà cung ứng Mỹ. Đồng thời, các nhà đầu tư Mỹ phải bán cổ phần đang nắm giữ của Xiaomi.
Lệnh cấm vận Mỹ đưa ra trong bối cảnh Xiaomi đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu. Hồi quý III năm ngoái, Xiaomi lần đầu vượt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới (xét trên khía cạnh số lượng máy bán ra). Đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây Apple bật ra khỏi ba vị trí dẫn đầu.
Xiaomi cũng đang đẩy mạnh các đơn đặt hàng với nhiều nhà cung ứng với hi vọng chiếm phần dung lượng thị trường mà Huawei để lại, Nikkei cho hay.
Thành lập vào năm 2010 và được gọi với biệt danh "Apple Trung Quốc", Xiaomi thu hút sự chú ý của thị trường nhờ các sản phẩm có cấu hình tốt trong cùng tầm giá. Xiaomi hiện đang dẫn đầu tại một số thị trường, trong đó có Ấn Độ.
Xiaomi còn là một trong những khách hàng lớn của hai nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới là Qualcomm (Mỹ) và Mediatek (Đài Loan, Trung Quốc).
Xiaomi hiện đang niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) và một số quỹ lớn của Mỹ như Vanguard Group, BlackRock Institutional Trust Company, Wells Capital Management và Geode Capital Management nằm trong danh sách cổ đông lớn của hãng smartphone này. Trong phiên giao dịch sáng thứ 6 (15/1), cổ phiếu Xiaomi ghi nhận mức giảm 8%.
Jeff Pu, một nhà phân tích smartphone ở GF Securities, nhận định động thái của Mỹ không có tác động ngay lập tức đến kinh doanh và vận hành của Xiaomi. Dù vậy, nó sẽ hạn chế dòng vốn Mỹ chảy vào nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.