Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng trong nước, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2020 đạt gần 88.800 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2019.
TOP 10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất gồm BIDV, VPBank, VietinBank, Vietcombank, MBBank, SHB, Techcombank, HDBank và TPBank. Tổng chi phí dự phòng của các ngân hàng này đạt gần 79.563 tỉ đồng, chiếm gần 90% tổng trích lập của 27 nhà băng được thống kê.
Trong đó, BIDV tiếp tục đứng đầu về chi phí dự phòng rủi ro năm 2020 với 23.125 tỉ đồng, tăng 15% và vượt xa hai ông lớn cùng nhóm quốc doanh khác là VietinBank (12.148 tỷ đồng), Vietcombank (9.917 tỷ đồng).
Năm vừa qua, chi phí dự phòng của VPBank tăng 7% lên mức 14.622 tỷ đồng, trở thành ngân hàng trích lập nhiều thứ hai chỉ sau BIDV.
MB cũng tăng trích lập 25% so với năm 2019, đạt 6.118 tỷ đồng trong bối cảnh nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng 12,1% lên 3.248 tỷ đồng.
Năm 2020, chi phí dự phòng ngốn mất 4.534 tỷ đồng của SHB, tăng 88% so với năm trước và tương đương 35% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này.
Theo thống kê, có tới 19/27 ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro so với năm 2019. Trong đó, ACB là nhà băng tăng mạnh nhất với mức trích lập 941 tỉ đồng, gấp 3,4 lần năm 2019.
Ngoài ACB, một số ngân hàng khác cũng có chi phí dự phòng tăng theo cấp số nhân như VietCapitalBank tăng 3,1 lần; Techcombank tăng 2,9 lần; VietABank tăng 2 lần;...Thậm chí, Nam A Bank chuyển từ hoàn nhập 12 tỉ đồng trong năm 2019 sang trích lập 558 tỉ đồng.
Ngược lại, SeABank, PG Bank, Viet Bank, NCB, SaigonBank,VietinBank và Eximbank giảm trích lập trong năm 2020. Trong đó, chi phí dự phòng của SeABank giảm 63%, từ 1.832 tỷ đồng xuống còn 677 tỉ đồng.