Ông Nguyễn Văn Phẩm- người được gọi là "vua" ấn triện. |
Những chiếc ấn triện vô tri nhưng có sức mạnh khủng khiếp, thế mà giờ đây, hình ảnh đại diện cho một thời uy quyền ấy đều được thu gom về một chỗ, trong căn nhà của ông Nguyễn Văn Phẩm (ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM).
Hơn hai chục năm sưu tầm cổ vật, ông Phẩm vẫn chưa thể lý giải được cái cơ duyên nào đã mang ông đến với niềm đam mê này. Càng không thể lý giải động lực nào đã giúp ông sưu tầm những ấn triện – biểu tượng cho một thời vàng son của xã hội phong kiến nước nhà.
Khi chúng tôi đến, ông Phẩm đang chăm chút cho những cổ vật mà mình sưu tầm được. Chúng tôi thật bất ngờ vì số lượng cổ vật của nhiều nền văn hóa khác nhau mà người đàn ông này thu gom được.
Ông Phẩm cho biết, quê ông tận Bình Định. Hơn 20 năm trước, ông vào Sài Gòn học tập và ở lại lập nghiệp cho đến ngày nay. Trước đó, ông Phẩm không có niềm đam mê về cổ vật, cho đến tận bây giờ, ông cũng không lý giải được cơ duyên nào đã đưa ông đến với niềm đam mê này.
Rồi ông kể: “Khi đang học tại Sài Gòn, trong một lần đi trên đường, tôi thấy một tên cướp giật chiếc túi xách của một người đàn ông người Pháp. Tôi đuổi theo và bắt được tên cướp, lấy lại túi xách trả cho vị khách ngoại quốc. Người đàn ông này sau đó kêu tôi về làm việc cho ổng với nhiệm vụ sưu tầm đồ cổ. Qua nhiều năm, tôi chẳng tìm được món đồ cổ nào khiến tôi thấy nản”, ông Phẩm nhớ lại.
Trong một lần về quê, ông thấy nhiều đưa mang phế liệu đến nhà ông chú của ông bán, trong đó có những con dấu. Vì tò mò về những dòng chữ khắc trên những con dấu này nên ông mua vài chiếc về Sài Gòn.
Thế rồi, những lần về quê sau đó, ông mua thêm vài món đồ cũ rích mà người ta đã bỏ đi. Số lượng đồ cổ tăng lên theo những chuyến về quê, đặc biệt là những con dấu.
Ông Phẩm cho biết, ấn triện đầu tiên mà ông sưu tầm được là cái mà người ta đã mang đi vứt dưới sông. “Vào năm 1992, trong một lần về quê, tôi mua được một con dấu nhưng tôi không biết nó là của ai. Khi mang về Sài Gòn, tôi đã hỏi rất nhiều người am hiểu về lịch sử, văn hóa mong tìm ra gốc gác của con dấu này”, ông Phẩm nói.
Theo những người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa các triều đại phong kiến thì đây là con dấu của một vị tướng của triều Tây Sơn. Trên con dấu có ghi: Khâm sai tiền thủy chi Đô Đốc (khâm sai trước khi đi sứ đã giữ chức Đô Đốc, ấn được tạo vào năm 1791) được cho là của tướng Võ Văn Dũng, vị tướng giỏi nhất, thân cận nhất của vua Quang Trung.
Con dấu đầu tiên mà ông Phẩm sưu tầm được. |
Việc sưu tầm được con dấu này đã nhen nhóm lên cho ông Phẩm một hướng sưu tầm cổ vật mới. Để rồi ông có hơn 400 chiếc ấn triện như ngày hôm nay. “Tôi cũng rất may mắn và có cơ duyên nào đó nên tôi mới được sở hữu những con dấu này”, ông Phẩm tâm sự.
Chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên vì có quá nhiều đồ được bài trí, nhưng người đàn ông này có thể nhớ tỷ mỷ từng món một.
Từ những chiếc rìu đá, dao đá, vòng đeo cổ, rừu, trống, hay những tô, chén bằng đồng đã lên màu Platin xanh bóng…
...Đến những cổ vật của nền văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa, Đông Sơn…được bảo toàn nguyên vẹn, hoàn hảo như vừa mới nguyên dù đã trải qua ngàn niên đại.
Ông Phẩm đặc biệt tự hào về bức tượng đồng Đức thánh Trần Hưng Đạ. Bức tượng này được ông đặt trang trọng ở gian trên, như răn dạy con cháu đời sau biết noi theo gương bậc thánh hiền về lẽ sống ở đời.
Mấy chục năm trời sưu tầm đồ cổ, đến giờ ông không nỡ bán đi món nào cả, mỗi món đồ đều gắn liền với một kỷ niệm, bán đi thấy tiếc. Vì không bán nên ông Phẩm mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.
Hơn 400 chiếc ấn triện đang được người đàn ông này cất giữ cẩn thận. Cũng có những cái ông tặng cho các bảo tàng ở TP.HCM bởi ông muốn được nhiều người chiêm ngưỡng chứ không giữ khư khư cho riêng mình. Qua đó, mọi người có thể hiểu thêm về lịch sử đã đi qua…
Ngày xuân nghe nữ biệt động duy nhất đánh Dinh Độc Lập kể về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968
50 năm trôi qua, kể từ ngày tham gia cuộc tấn công đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, nữ biệt động Vũ Thị ... |