Ngôi làng ‘5 không’ trên núi Cheng Leng

Cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn, không đường, không điện, không trường học, không trạm xá và không giấy tờ tùy thân đã đeo bám người dân vùng núi Cheng Leng suốt nhiều năm qua.

Nghèo đói đeo bám dai dẳng

Vào những ngày cuối tháng 5, trên con đường đất đỏ chạy dài trên những triền đồi, nắng thì bụi mù trời, mưa trở nên lầy lội, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi làng của người đồng bào Bahnar bên kia đỉnh núi N’Nheng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).

Ngôi làng được mệnh danh là "làng 5 không": không đường, không điện, không trường học, không trạm xá và không giấy tờ tùy thân.

Thấy có người lạ, những đứa trẻ tại bản làng tỏ ra sợ hãi, cuống quýt gọi người thân của mình.

Nhưng do bận bịu với công việc đồng áng, người lớn trong làng hầu như đều lên nương rẫy hết. Ở làng chỉ có trẻ con và một số người già không còn đủ sức để lên nương.

Do ngôi làng Heg 2 nằm cách xa trung tâm xã, người dân lại không được đến trường đi học nên rất ít người biết tiếng phổ thông. Tìm mãi chúng tôi mới gặp được một vài người có thể giao tiếp được.

Chúng tôi có cơ hội được đến thăm nhà bà Đinh Bê - một người hiếm hoi trong bản làng có thể nói được tiếng phổ thông.

Căn nhà nhỏ, rộng chưa đến 20 m2 là nơi che mưa, che nắng của cả gia đình bà. Trong căn nhà, không có gì giá trị ngoài 5 bao phân bò khô đã được già khâu lại kĩ để chuẩn bị mang đi bán lấy tiền đong gạo.

Khi chúng tôi hỏi tuổi của già, già nở nụ cười trìu mến, những nếp nhăn càng thêm nhàu nhĩ: “Trước đây do không được đi học nên già không biết chữ, cũng không biết mình bao nhiêu tuổi

Thời xa xưa, ông cha mình ở đây. Sau đó, nhà nước đưa ra vùng tái định cư nhưng do ít đất sản xuất nên cả làng quay về. Giờ cả làng chỉ trồng lúa vào mùa mưa thôi, mùa này không được trồng đâu, nắng quá mà”.

ngoi lang 5 khong tren nui cheng leng
Trẻ em trong làng tỏ ra sợ hãi khi người lạ đến chơi. (Ảnh: Trang Anh).

Theo những người dân nơi đây, cha ông của người trong làng đi khai hoang mở đất ở làng Heg 2 hiện tại. Tuy nhiên, cuộc sống cứ lay lắt, ảm đạm suốt thời gian dài. Đến năm 1994, đập thủy điện Ayun Hạ được khởi công xây dựng, cư dân ở đây được di dời về khu tái định cư ở bên kia đỉnh núi Cheng Leng.

Tuy nhiên đến khu tái định cư chưa được bao lâu, do thiếu đất sản xuất, lại nhớ nếp sống ở làng cũ nên người dân lại rủ nhau trở về. Từ đó, cái đói, cái nghèo lại tiếp tục đeo bám người dân.

Tài sản lớn nhất của người dân làng Heg 2 có lẽ là đàn trâu, đàn bò. Chúng vừa là công cụ sản xuất của người dân, lại vừa là "của để dành" đề phòng những lúc ốm đau, bất trắc.

Và chỉ những gia đình nào khá giả mới có được thứ "của để dành" đó.

Ông Mai Văn Ẩn (58 tuổi) cho hay, gia đình ông cũng muốn mua bò để về chăn nuôi. Nhưng do nghèo đói, cái ăn còn lo chưa đủ nên gia đình ông chỉ dám nghĩ đến...

Nhắc đến làng mình, ông Đinh Jăi, trưởng làng buồn bã cho hay, người dân sinh sống ở đây rất khó khăn, cơ cực.

Mỗi lần muốn chữa trị bệnh phải đi 6 km đến làng D’Lâm (huyện Chư Sê), hoặc quay về làng Heg - làng tái định cư cách khoảng 8 km, còn không phải đi về xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang) cách 15 km.

Có nhiều trường hợp, người dân ốm đau, gặp nạn đã phải bỏ mạng trên đường đến trạm xá, bệnh viện bởi đường quá xa mà vô cùng hiểm trở.

Vấn đề nan giải

ngoi lang 5 khong tren nui cheng leng
Những người lớn sau khi đi làm nương về lại tất bật với công việc nhà. (Ảnh: Trang Anh).

Cách làng Heg 2 không xa, trên đỉnh núi Cheng Leng có khoảng 20 nóc nhà nằm ẩn hiện sau những dãy núi.

Những đứa trẻ ở đây cũng không đến trường, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, làm việc nhà.

Tại làng Cheng Leng có 9 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu, chủ yếu là người sinh sống ở làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Sau đó, người dân kéo lên đây định cư từ năm 2004.

Anh Rmah T’rúi (làng Cheng Leng) cho biết, người dân thích kéo về đây sống bởi ở làng cũ không có đất rẫy để sản xuất, còn ở đây đất đai rộng rãi, bạt ngàn.

Tuy nhiên, theo anh, cuộc sống nơi đây cũng vô cùng khó khăn, bởi hầu như mọi thứ đều thiếu và nước sinh hoạt là thứ thiếu trầm trọng.

“Thiếu nước là thứ khổ nhất của bà con nơi đây. Không có nước khiến việc trồng trọt khó khăn, nước uống cũng thiếu, tắm giặt cũng thiếu", anh Rmah T’rúi buồn rầu nói.

Về vấn đề này, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, sau khi biết được việc người dân sinh sống tại những khu vực này gặp nhiều khó khăn, chính quyền xã, cũng như huyện Phú Thiện đã trực tiếp đến các điểm làng trên núi để rà soát số hộ, số nhân khẩu, qua đó có phương án giải quyết.

Theo vị chủ tịch, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên theo hướng vận động nhân dân trở về làng tái định cư.

Bên cạnh đó, phía xã đã rà soát và dành quỹ đất riêng để cấp cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, xã cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn bởi đồng bào dân tộc thiểu số đã quen sinh sống tại các khu vực đồi núi.

Nhưng, chính quyền xã cũng quyết tâm để vận động bà con trở về, để người dân, đặc biệt là trẻ em ở hai ngôi làng này được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách xã hội.

ngoi lang 5 khong tren nui cheng leng Bí đỏ rớt giá, người dân rớt nước mắt ngoài đồng

Khác với cảnh vui mừng, nhộn nhịp trong những vụ thu hoạch bí ở những năm trước. Năm nay, người nông dân thấp thỏm, lo ...

ngoi lang 5 khong tren nui cheng leng Hàng chục người tử vong do đuối nước, tỉnh đề xuất phương án đảm bảo an toàn

Chỉ trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn Tây Nguyên đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm. Đặc biệt, nạn nhân ...

chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.