Một năm trồng cà phê 'không công' của người dân Tây Nguyên

Sau nhiều tháng ngày chăm sóc cà phê, đến khi thu hoạch thì giá cà phê xuống thấp. Nhiều người dân Tây Nguyên buồn rầu nói "xem như cả năm làm không công".

Cà phê mất mùa, tiền nhân công tăng

vu ca phe buon tren tay nguyen
Mặc dù rộ mùa cà phê nhưng người dân chẳng mấy hứng khởi vì mất mùa, mất giá. (Ảnh: Trang Anh).

Mặc dù đang rộ mùa cà phê, nhưng ông Vương Đình Danh (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chẳng mấy hứng khởi cho vườn cà phê rộng 4 ha của gia đình mình.

Theo ông Danh, năm nay cà phê mất mùa, mất giá tiền nhân công lại cao hơn những năm trước nên rất ít người dân có lợi nhuận.

Ông cho hay, vào vụ mùa cà phê năm 2017, với 4 ha cà phê của gia đình mình ông Danh thu được hơn 25 tấn, trừ các công cán chi phí chăm sóc, tiền phân tro khoảng 8 tấn thì gia đình ông vẫn lãi được 17 tấn. Giá cà phê năm ngoái vào khoảng 36 triệu đồng/tấn nên nhà ông cũng dư giả.

Tuy nhiên, năm nay với số diện tích trên gia đình ông chỉ thu được 12 tấn nhân, giảm hơn 1 nửa so với năm ngoái. Tuy nhiên, không chỉ sản lượng giảm sút so với năm ngoái mà giá năm nay cũng giảm khoảng 1.000 đồng so với năm 2017.

“Năm nay cà phê thu được sản lượng ít, giá lại thấp nên gia đình tôi không biết làm sao. Năng suất giảm nên gia đình thuê người hái theo tạ nhưng không đạt được đủ ngày công, do đó nên chúng tôi bắt buộc phải tăng tiền công hái lên.

Vừa qua tôi phải tăng từ 80.000 đồng/tạ lên hơn 100.000 đồng/tạ mới có người đi hái. Nhà tôi còn may mắn, chứ nhiều gia đình không thuê được người hái, giờ vẫn phơi trái ngoài rẫy. Giờ đây tôi chỉ biết chờ giá cao lên thôi, chứ bán kiểu này lại ôm một đống nợ”, ông Danh buồn rầu nói.

Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Xuân (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình bà cũng có 2 ha cà phê đã trồng được 4 năm nay. Tuy nhiên, năm nay khí hậu khắc nghiệt nên cà phê cũng mất mùa khiến gia đình bà lao đao.

“Năm ngoái gia đình thu cũng được khoảng 13 tấn cà phê, tuy nhiên năm nay chỉ còn có 7 tấn nên xem như cả năm làm không công. Năm nay lại là một năm cà phê buồn nên chắc đón Tết cũng chẳng vui”, bà Xuân nghẹn ngào nói.

‘Đỏ mắt’ tìm nhân công

vu ca phe buon tren tay nguyen
Mặc dù giá thấp, cà phê mất mùa nhưng giá nhân công lại cao hơn những năm trước khiến người dân đứng trước nguy cơ lỗ công chăm sóc. (Ảnh: Trang Anh)

Không chỉ giá cà phê thấp, việc thuê nhân công cũng là một vấn đề khó khăn đối với những người nông dân Tây Nguyên.

Bà Lê Thị Mai Hoa (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhà bà chỉ có hơn 1 ha cà phê. Tuy nhiên do nhà neo người, con cái đi học xa nên gia đình không thể tự hái được mà phải tìm nhân công để thuê.

Tuy nhiên, việc tìm và thuê nhân công với gia đình bà hiện nay cũng khá khó khăn khi nhu cầu thuê nhiều nhưng người nhận thuê thì lại ít. Do đó, bà phải huy động, nhờ anh em họ hàng giúp đỡ để hái đúng vụ cho cà phê khỏi rụng và hư hỏng.

Bất đắc dĩ phải thuê người với giá cao bởi diện tích cà phê lớn, ông Nguyễn Quốc Vinh (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình ông có 25 ha cà phê đang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay cà chín rộ nhưng ông tìm “đỏ mắt” vẫn thiếu nhân công để hái.

Cũng theo ông Vinh, mặc dù ông đã trả khoán giá 850.000 đồng/tấn để bà con hái cà phê. Tuy nhiên, người dân vẫn không chịu mà đòi 1 triệu đồng/tấn do biết nhân công năm nay đang khan hiếm.

Không những thế, công cao giá lại thấp, thêm tiền phân bón nữa nên gia đình ông đang đứng trước nguy cơ lỗ cả vốn.

vu ca phe buon tren tay nguyen
Một số nơi, người dân vừa thu hoạch thì hoa cà phê cũng đã ra cho vụ mới. (Ảnh: Trang Anh).

Lí giải nguyên nhân cà phê giảm chất lượng

Theo TS. Trương Hồng – Viện Trưởng Viện Khoa học Kĩ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên năm nay do đặc thù thời tiết mưa kéo dài hơn 3 tháng, nên nhiệt độ và độ ẩm thấp, bão hòa khiến cho cây cà phê không hấp thụ được chất dinh dưỡng.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm giảm, giá cà phê trên thị trường năm nay cũng thấp hơn so với những năm trước nên khó có thể mang lại lợi nhuận cho người dân.

Cũng theo vị TS., năng suất sản lượng cà phê của tây nguyên trung bình khoảng 1 triệu tấn nhân. Riêng Gia Lai dự tính năm nay sẽ đạt khoảng 180.000 - 200.000 tấn nhân, tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 15% so với năm 2017.

“Năng suất sụt giảm, giá cả thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do cây cà phê là cây trồng chủ lực nên người dân vẫn tiếp tục chăm sóc…”, vị Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nói.

vu ca phe buon tren tay nguyen Sau hơn 30 năm chờ đợi, điện đã về với thôn 'đèn dầu' Nà Ven

Sau hơn 30 năm sống trong bóng tối, phụ thuộc vào đèn dầu thì vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay người dân thôn Nà ...

vu ca phe buon tren tay nguyen Trang mới ở làng tái định cư sau nhiều năm cơ cực

Sau hàng chục năm thành lập với điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, giờ đây đời sống của người dân làng tái định cư ...

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.