Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thu Thủy, công chức ở một cơ quan nhà nước tất bật với những... đơn hàng online. Đó đều là thực phẩm sạch kiểu “cây nhà lá vườn” mà chị và người em kinh doanh bấy lâu nay. Giờ hành chính, chị để người em quản lí việc nhận đơn, gọi khách qua mạng. Sau giờ làm, chị tất bật đi ship hàng. “Thu nhập chính của nhà mình là từ việc bán hàng online, chứ lương công chức ba cọc ba đồng, không sống nổi”, chị Thủy thành thật.
Chị bảo: Nhiều đồng nghiệp của chị cũng phải làm thêm nghề tay trái sau giờ làm để trang trải cuộc sống.
“Người ta bảo công chức nhiều bổng lộc, nhưng tùy vị trí việc làm thôi. Cơ quan mình không ít người phải chật vật kiếm sống, đánh đu với số tiền lương ít ỏi”, chị Thủy giãi bày.
Chuyện của chị Thủy không phải là cá biệt. Hàng trăm nghìn người lao động ở khu vực công đang phải nhận mức lương “bèo bọt”. Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học mới ra trường vào khu vực nhà nước lương 2,34 nhân với lương cơ sở 1,49 triệu chỉ khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở khu vực doanh nghiệp, con số phổ biến từ 6-8 triệu.
Tất nhiên, cũng có cán bộ nhà nước ở một số vị trí được cho là “béo bở” đã tận dụng, thậm chí lạm dụng vị thế của mình, để thu lợi cá nhân. Nhưng phải khẳng định, đó là những khoản tiền không chính đáng. Còn nhiều công chức, viên chức đang kiếm những đồng tiền sạch sẽ từ mồ hôi, công sức của mình. Tiếc rằng, thu nhập chính đáng ấy lại còn khiêm tốn so với mức sống hiện nay.
Đó cũng chính là những bất cập của chính sách lương nhà nước hiện hành. Bất cập ấy đã được nhận ra từ rất lâu, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Một giải pháp mạnh tay đang được tính đến, thể hiện tại Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Nghị quyết này và đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2021.
Điểm quan trọng nhất trong nội dung cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tại Nghị quyết 27 là xây dựng, ban hành ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, thay thế cho bảng lương hiện nay. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Khi đó, cơ hội để những công chức như chị Thủy được tăng lương để đảm bảo “nhu cầu sống tối thiểu” có thể mới thành hiện thực, ít nhất bằng với khu vực doanh nghiệp.
Nhưng trước khi làm được điều đó, việc giảm số lượng cán bộ công chức, viên chức là nhiệm vụ bắt buộc. Yêu cầu có một bộ máy tinh gọn, hiệu quả được đặt lên hàng đầu, thay thế cho bộ máy cồng kềnh, tốn kém như lâu nay.
Bởi lẽ, không một ngân sách nào có thể kham nổi hàng triệu cán bộ công chức, viên chức như hiện nay. Trong đó, không ít người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, trong khi cũng biết bao người phải nai lưng làm việc để bù đắp cho những công chức kiểu ấy.
Thực tế, thu ngân sách liên tục tăng nhưng chi ngân sách cũng không giảm được. Năm 2013 chi ngân sách là 1,08 triệu tỉ đồng, thì đến năm 2018 chi ngân sách đã tăng lên con số hơn 1,6 triệu tỉ đồng. Trong đó, chi thường xuyên vẫn chiếm phần lớn với con số triệu tỉ đồng mỗi năm (chi thường xuyên chủ yếu là chi con người, chiếm 60-70%).
Có nghĩa chi ngân sách sau 5 năm đã tăng hơn 600 nghìn tỉ đồng so với năm 2013.
Công việc này đang được tích cực thực hiện, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, sở ngành, tiến tới là cấp Bộ.
Là đơn vị đi đầu trong việc sáp nhập các chi cục thuế, thành các Chi cục Thuế khu vực, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: Đến hết năm 2019, toàn ngành đã cắt giảm được 89 đầu mối cấp phòng, giảm 1.792 đầu mối cấp đội; triển khai sắp xếp, hợp nhất Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với 433 Chi cục Thuế để thành lập 206 Chi cục Thuế, giảm 227 Chi cục Thuế.
Qua đó, số Chi cục Thuế trong cả nước đã giảm từ 711 còn 484 Chi cục Thuế.
Tổng cục Hải quan đã thực hiện sắp xếp giảm 14 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; giảm được 239 tổ (đội); Kho bạc Nhà nước giảm 188 phòng/phòng giao dịch (tương đương cấp chi cục) tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và giảm hơn 1.337 tổ kế toán và tổ kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện; Tổng cục Dự trữ giảm 9 Chi cục Dự trữ nhà nước và 18 tổ (đội) thuộc các Chi cục.
Tính chung, toàn ngành Tài chính, từ năm 2017 đến hết năm 2019, Bộ Tài chính đã cắt giảm được 4.024 đầu mối (riêng năm 2019 giảm tới 2.172 đầu mối). Chỉ tiêu biên chế hành chính được giao đã giảm gần 4.980 biên chế (giảm 6,7% so năm 2015), trong khi vẫn đảm bảo điều hành hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
Năm 2019, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại Kì họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV.
So với các quy định cũ, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định một số điểm mới đáng chú ý là: Giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quy định cụ thể số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã,... Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, đánh giá lại mô hình tổ chức cấp tổng cục và đề xuất phương án sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng giảm cấp trung gian và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại địa phương, việc sắp xếp lại bộ máy cũng đã dược triển khai. Tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sắp xếp, cắt giảm 95 đầu mối tổ chức (gồm có: 32 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành; 07 chi cục và 56 phòng thuộc chi cục), qua đó, giảm 144 vị trí lãnh đạo thuộc các tổ chức sau khi cắt giảm.
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng đã sắp xếp, cắt giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó, giảm được 474 vị trí lãnh đạo cấp phòng (158 cấp trưởng, 316 cấp phó). Đáng chú ý, việc sắp xếp thôn, xóm, tổ dân phố đã giúp cắt giảm hơn 15.000 người hoạt động không chuyên trách.
Tỉnh Thái Nguyên, sau khi rà soát, sắp xếp đã cắt giảm được 28 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ...
Ở địa phương, một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng được nghiên cứu, thực hiện thí điểm hợp nhất. Cụ thể là: thí điểm hợp nhất: Sở Tài chính với Sở KH-ĐT thành Sở Tài chính và Kế hoạch; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng; Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh; Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh.
Ở cấp huyện, thí điểm hợp nhất: Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp huyện; Thanh tra cấp huyện với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp huyện; Văn phòng HĐND và UBND với Văn phòng cấp ủy cấp huyện thành Văn phòng cấp huyện.
Đó là một trong nhiều phần việc đang được thực thi để cải thiện tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Nhưng sẽ không ít thách thức để chọn đúng người đúng việc và có chế độ đãi ngộ tương xứng. Cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng giữ lại những người kém năng lực, giỏi luồn lách, quan hệ, rồi đẩy ra đường những người làm được việc, chuyên môn tốt. Nếu điều đó xảy ra, mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy đều không đạt được.
Đô thị 11:40 | 11/02/2020
Kinh doanh 11:16 | 11/02/2020
Đô thị 14:33 | 09/09/2019
Thời sự 12:16 | 24/05/2019
Lối sống 06:29 | 06/05/2019
Pháp luật 21:11 | 31/03/2019
Pháp luật 07:35 | 14/02/2019
Pháp luật 04:59 | 29/01/2019