Chiều 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đi đôi với cải cách tiền lương là phải đẩy mạnh cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động.
Tinh thần cải cách tiền lương phải thể hiện được tính tổng thể và đồng bộ. Phải xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo đúng nội dung cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27-NQ/TW.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý chế độ tiền lương mới phải làm rõ hơn, thuyết phục hơn, phải thể hiện tính hợp lí và công bằng trong cải cách tiền lương, có sự thay đổi với cách tính lương trước đó.
Cuộc họp tập trung thảo luận về báo cáo xây dựng cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương. Báo cáo do Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì soạn thảo, trình bày.
Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục lấy thêm ý kiến chuyên gia, để có đề án cải cách tiền lương chất lượng, mang tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với đặc thù hệ thống chính trị, những lĩnh vực chuyên môn đặc thù, tạo được động lực và đồng thuận xã hội.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung chế độ tiền lương mới, đặc biệt là phương án thiết kế bảng lương lực lượng vũ trang, chế độ phụ cấp theo nghề, chế độ nâng lương, nguyên tắc xếp lương, nguyên tắc chuyển xếp lương cũ sang lương mới,…
Thủ tướng đề nghị xây dựng báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, xin ý kiến của Bộ Chính trị về chế độ tiền lương mới.
Bộ Tài chính tiếp tục được giao đề xuất các giải pháp tài chính và cân đối nguồn, để bảo đảm thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, xây dựng các văn bản quy định về cơ chế quản lí tiền lương và thu nhập theo phân công tại Nghị quyết số 107/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW.
Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh đề xuất xây dựng bảng lương và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện quy định về chế độ tiền lương mới.
Theo Nghị quyết 86, từ ngày 1/7/2020, mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng 110.000 đồng/tháng so với trước. Tuy nhiên, nếu cải cách đúng theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ năm 2021, chính sách tiền lương có những thay đổi lớn. Đáng nói là bãi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương hiện nay và thay thế bằng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể.
Theo đó, chế độ tiền lương mới sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện nay, đảm bảo tiền lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Ngoài ra, Nghị quyết còn hướng tới việc bãi bỏ cũng như gộp nhiều khoản phụ cấp,…
Nếu thực hiện đúng lộ trình, từ năm 2021, công chức được trả lương theo số tiền cụ thể, khắc phục những nhược điểm của bảng lương theo hệ số và mức lương cơ sở hiện nay. Công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thông qua bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và theo nguyên tắc: cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau.
Tại phiên khai mạc kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng nay 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020, để chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cho các đối tượng như đề cập của Thủ tướng, tăng thêm khoảng 110.000 đồng/tháng, thành 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7.