Thủ tướng đề nghị chưa tăng lương công chức từ 1/7, để chia sẻ khó khăn với người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tại phiên khai mạc kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng nay 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành một nội dung lớn về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, để báo cáo trước Quốc hội.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020, để chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thủ tướng đề nghị chưa tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 - Ảnh 1.

Thủ tướng đề nghị chưa tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. (Ảnh: Thanh Niên).

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cho các đối tượng như đề cập của Thủ tướng, tăng thêm khoảng 110.000 đồng/tháng, thành 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7.

Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới hiện nay.

So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được, nên Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, và một số chỉ tiêu vĩ mô khác.

Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới: kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm thất nghiệp…

Chính phủ khẳng định sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.