Thủ tướng yêu cầu tiếp tục miễn, giảm phí, lệ phí, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất gia hạn, miễn, giảm một số loại phí, lệ phí; ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn vì Covid-19.

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, kịp thời cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn bình thường mới, phục hồi kinh tế như hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ và cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây khó dễ với doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục miễn, giảm phí, lệ phí, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục miễn, giảm phí, lệ phí, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Niên).

Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương để tiếp tục rà soát, đề xuất gia hạn, miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải có các giải pháp bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, khắc phục gián đoạn nguồn cung, củng cố thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu, cũng như tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã kí kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được yêu cầu phải xem xét, gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lí doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài, đang làm việc tại các doanh nghiệp; đồng thời, cấp giấy phép lao động mới cho các đối tượng nói trên là người nước ngoài để thay thế những người không được nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp các bên, tiếp tục tổng hợp vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất giải pháp, sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào phương thức hợp tác công tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, chủ động đổi mới, sáng tạo, đón thời cơ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.