3 điều Thủ tướng nhắn nhủ cộng động doanh nghiệp để vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19

3 điều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới cần phải thực hiện đó là giữ người lao động, giữ thị trường trong và ngoài nước và thứ ba là danh dự, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam sau giai đoạn hậu Covid-19.

Thủ tướng: Cơ quan Nhà nước phải hỗ trợ nhanh cho doanh nghiệp, không được đổ qua đổ lại

Kết luận Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp trưa nay, 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các doanh nghiệp, tổ chức đều đánh giá cao hiệu quả phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. 

Việt Nam được xem là điểm sáng khi đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, đẩy lùi Covid-19, chuyển sang giai đoạn bình thường mới để tập trung sản xuất kinh doanh.

3 điều Thủ tướng nhắn nhủ cộng động doanh nghiệp để vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu trong phiên họp sáng nay. (Ảnh: VGP).

Sau một loạt kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ ngành và địa phương, Thủ tướng ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Các thủ tục tháo gỡ vướng mắc tại địa phương cần thực hiện nhanh chóng, đặc biệt quan tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi nhiều lao động thuộc nhóm doanh nghiệp này đang gặp khó khăn.

"Cơ quan nhà nước phải xử lí, tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh hơn, không được đổ qua đổ lại. Chủ tịch UBND, các Bộ ngành phải xử lí nhanh, tháo gỡ nhanh cho doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp, nhất là giảm lãi suất, lãi vay, chia sẻ doanh nghiệp. Cần phải giữ kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt hạn chế thanh kiểm tra. Ông nhấn mạnh việc kiểm tra thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng phát triển doanh nghiệp.

Doanh nghiệp yêu nước thì phải hành động, Việt Nam phải tăng trưởng theo hình chữ V 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ các doanh nghiệp thuộc các loại hình 3 điều trong giai đoạn bình thường mới. Thứ nhất là giữ người lao động. Thứ hai là thị trường trong và ngoài nước và thứ ba là danh dự, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Song song đó, ông cũng đề nghị 3 điều doanh nghiệp cần chú ý hiện nay là không chờ ỷ lại vào các gói hỗ trợ, phải tái cơ cấu, nâng trình độ quản trị và đặc biệt áp dụng mạnh khoa học công nghệ trong làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư trong tình hình hiện nay.

3 điều Thủ tướng nhắn nhủ cộng động doanh nghiệp để vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thể hiện được tinh thần yêu nước, có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén giờ bật lên, để phát triển.(Ảnh: Zing).

"Lửa thử vàng gian nan thử sức, khó khăn gấp hai thì phải cố gắng gấp ba, cùng đoàn kết, quyết tâm, hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đặt ra", Thủ tướng nhắn nhủ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau giai đoạn kiểm soát dịch Covid-19, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung vào "5 mũi giáp công" để đạt mục tiêu tăng trưởng đó. 

Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. 

Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén giờ bật lên để phát triển.

"Việt Nam chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W", Thủ tướng chia sẻ.

Ông thừa nhận dù còn nhiều "nút thắt" nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận.

Kì vọng những chế chế "Made in Vietnam" vào năm 2045

Nhắc đến tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh không làm Việt Nam thay đổi mục tiêu.

3 điều Thủ tướng nhắn nhủ cộng động doanh nghiệp để vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp ngày 9/5. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).

"Tôi xin hỏi vậy tầm nhìn của doanh nghiệp 2045 là như thế nào? Doanh nghiệp các bạn trẻ ở đâu vào năm 2045", Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông cho biết trong nước đang có những tập đoàn lớn, vươn tầm cạnh tranh quốc tế, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Liệu đến 2045, tức 25 năm nữa, chúng ta có thể có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới không. 

"25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alibaba… Không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề và cho rằng 1/4 thập kỉ là đủ để xuất hiện những đế chế khổng lồ "Made in Vietnam". 

Thủ tướng mong các doanh nghiệp Việt Nam hãy nghĩ đến khả năng đó, không điều gì là không thể, hãy dám nghĩ lớn, làm lớn, đừng sợ thất bại vì "thất bại là mẹ thành công", hãy cứ ước mơ và hành động biến ước mơ hiện thực.

Sau thời gian giãn cách xã hội, Thủ tướng cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp đã có đủ thời gian để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp.

Thủ tướng bày tỏ việc gì quá dễ dàng đạt được thì thường kém ý nghĩa. Đến nay chúng ta hiểu thêm rằng mức độ thành công được xác định không phải bởi những gì chúng ta đã đạt được mà bởi những trở ngại chúng ta đã và sẽ vượt qua.