TP HCM kiến nghị dừng tính giá điện bậc thang, dành 20% gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp thành phố

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị tạm dừng cách tính giá điện bậc thang để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị dành 20% gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp thành phố để vực dậy kinh tế sau dịch Covid-19.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị tạm dừng tính giá điện theo bậc thang

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ tạm dừng cách tính giá điện bậc thang, để đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp sau giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19 tại buổi làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với TP HCM diễn ra hôm nay, 8/5.

Cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ 4 nhóm giải pháp, trong đó có đề xuất từ sau tháng 6/2020, sẽ tiếp tục giảm 10% giá điện trên hóa đơn tiền điện cho người dân và doanh nghiệp.

TP HCM kiến nghị tạm dừng tính giá điện theo bậc thang, dành 20% gói hỗ trợ cho doanh nghiệp TP - Ảnh 1.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị tạm dừng tính giá điện theo bậc thang. (Ảnh: Thanh Niên).

Trong tháng 4/2020, Bộ Công Thương đã có gói hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Phong, gói hỗ trợ này tính theo giá điện bậc thang, nên khoản giảm trực tiếp cho từng hộ gia đình, cơ sở kinh doanh không nhiều. 

Theo cách tính của Bộ Công Thương thì mức hỗ trợ từ đợt giảm giá điện chỉ từ 17.000-63.000 đồng/tháng cho mỗi khách hàng. 

Do vậy, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ tạm thời dừng cách tính giá điện bậc thang cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch. 

Ông Phong cho rằng cả nước đang bước vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cao. Trong khi doanh nghiệp vừa trải qua 3 tháng ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, và đang bước vào giai  đoạn phục hồi sản xuất. 

Vì vậy, việc tiếp tục giảm 10% giá điện sau tháng 6/2020 và tạm dừng tính theo giá điện bậc thang là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Phản hồi về đề xuất của lãnh đạo TP HCM, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho rằng gói hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện theo Nghị quyết 41 áp dụng từ kì thu tháng 5. Sau 3 tháng thực hiện gói hỗ trợ này, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo và kiến nghị Thủ tướng các giải pháp tiếp theo tùy tình hình dịch bệnh và sản xuất.

Về đề xuất tạm dừng cách tính giá điện bậc thang, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cách tính giá điện theo bậc thang chỉ đang áp dụng cho người tiêu dùng. Cách tính này nhằm đảm bảo mức hỗ trợ tốt nhất cho người thu nhập thấp với mức tiêu thụ điện thấp.

Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đang có phương án cải tiến cách tính giá theo 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay. Ông cập nhật phương án này đã chuyển, lấy ý kiến góp từ của các tỉnh, thành kể cả doanh nghiệp. Bộ nhận được 122 ý kiến đóng góp, trong đó có 113 ý kiến chọn cách tính giá điện 5 bậc, 7 ý kiến chọn cách tính 4 bậc và chỉ 1 ý kiến chọn cách tính giá điện 1 bậc.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nói nếu áp dụng giá điện một bậc thì giá điện sẽ cao hơn mức giá bậc 1 đang áp dụng cho nhóm khách hàng tiêu thụ điện thấp. Do vậy, nếu thực hiện như đề xuất của TP HCM, sẽ có 1,26 triệu hộ gia đình thu nhập thấp sẽ phải trả thêm tiền điện.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Kiến nghị dành 20% gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp thành phố

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ dành 20% gói hỗ trợ doanh nghiệp cho TP HCM.

TP HCM đã có 7.773 doanh nghiệp phá sản hoặc tạm đóng cửa, chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp. Nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi trả các khoản vay, khoản nợ, giữ chân người lao động thì từ tháng 5/2020, có thể tiếp tục sản xuất trở lại, tiềm năng phục hồi trong quý II-III/2020.

TP HCM kiến nghị tạm dừng tính giá điện theo bậc thang, dành 20% gói hỗ trợ cho doanh nghiệp TP - Ảnh 2.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị dành 20% gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp TP. (Ảnh: Phúc Minh).

Dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tăng trưởng của thành phố giảm không phải sản xuất giảm, mà do nhu cầu nội địa và xuất khẩu  giảm nên ảnh hưởng đến nguồn cung.

Để kịp thời phục hồi nền kinh tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề xuất dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ bổ sung cho gói hỗ trợ của thành phố, nhằm phục hồi, phát triển sản xuất.

Ông Nhân phân tích từ tháng 6/2020 có thể chọn lọc kết nối lại hoạt động giao thương với một số quốc gia, dựa trên tình hình dịch bệnh ở 15 nước là đối tác thương mại, đầu tư, du lịch lớn nhất của Việt Nam. Các tháng còn lại của năm 2020 có thể đạt được 50-60% giá trị xuất nhập khẩu và 65-70% giá trị thu hút đầu tư nước ngoài của năm 2019.

"TP cũng đang cân nhắc cho phép doanh nghiệp tự đề xuất mức hỗ trợ và chịu trách nhiệm để giải ngân nhanh, sau đó hậu kiểm trong vòng 3-6 tháng. Bây giờ ngồi tính toán từng doanh nghiệp nghiệp thì không biết bao giờ mới hỗ trợ cho xong", Bí thư Nhân nói.

Về đề xuất của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết phải căn cứ vào Nghị quyết 42, trong đó đã nêu tỉ lệ Trung ương và địa phương như thế nào. Đơn cử, trong gói 62.000 tỉ đồng, chỉ có trên 20.000 tỉ đồng là ngân sách Trung ương, còn lại hơn 40.000 tỉ đồng là ngân sách từ các địa phương.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ vấn đề này để có hướng dẫn cụ thể hơn.