Tại tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM năm 2020" diễn ra hôm nay (5/5), Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong điều kiện bình thường mới hiện nay, cần phải phòng dịch Covid-19 quyết liệt, song song với phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội.
Theo Bí thư Nhân, trên cơ sở phân tích sâu về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, thách thức lớn nhất là việc làm sao phát hiện và kiểm soát nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam từ tháng 5 đến hết năm nay.
Có nhiều giải pháp để triển khai, như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ; phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trước mắt và quan trọng nhất là cần ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp, bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động trong tháng 5 và tháng 6/2020; hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài ra, TP HCM sẽ thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lí nhà nước; triển khai mạnh mẽ đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu phải đẩy mạnh xây dựng Khu công nghiệp mới, Khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay.
Tham gia đóng góp ý kiến để vực dậy kinh tế TP HCM sau thời gian cách li xã hội vì dịch bệnh Covid-19, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Hoàng Ngân, cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn, đối với sự phục hồi kinh tế thành phố giai đoạn hiện nay.
Theo ông, TP HCM có 262.000 doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp. Dù các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai nhanh, nhưng sự tiếp cận của các gói tiếp cận vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ rất quan trọng khi triển khai thực hiện các gói giải pháp tài khóa, nhằm kích thích kinh tế và thực hiện an sinh xã hội.
Cùng với đó là các giải pháp của TP HCM, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước, không chỉ thị trường trên địa bàn. Các yếu tố nội tại cơ bản của thành phố phải được đảm bảo để hướng đến sự phục hồi kinh tế, năng suất của hoạt động kinh tế, phải có các giải pháp cải thiện sản phẩm và tạo ra sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước.
Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị cần xem lại toàn bộ các gói hỗ trợ của ngân hàng, trong đó thực hiện việc khoanh nợ vay cho doanh nghiệp. Về đối tượng hỗ trợ, nên chọn doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và lưu thông dễ đỗ vỡ, như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - ông Chu Tiến Dũng, kiến nghị chính quyền thành phố ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu và các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng cách li.
Cụ thể, từng bước nới lỏng cách li xã hội, nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất kinh doanh trong nước; khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa đặc biệt là tại cảng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang phải đối diện với 4 vấn đề thách thức, rất cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Thứ nhất là vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, thị trường xuất nhập khẩu sẽ phải làm gì, khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng. Thứ ba, làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa khi người dân đã giảm chi tiêu sau đại dịch, do tâm lí lo sợ kéo dài. Thành phố cũng đặt câu hỏi có nên mở cửa để phát triển du lịch quốc tế, và thời điểm nào là thích hợp.
Thứ tư, giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo ổn định kinh tế, ổn định công ăn việc làm trong điều kiện phải thực hiện "mục tiêu kép" như hiện nay.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020