Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 vừa được Công ty CP Hàng không Vietjet công bố, dù ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 1.000 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng Vietjet cho rằng mức lỗ này là thấp hơn dự kiến.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, doanh thu của Vietjet chỉ đạt 7.222 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân là dịch bệnh khiến số lượng khách chuyên chở giảm mạnh. Trong kì, Vietjet chỉ khai thác 29.401 chuyến bay với 4,5 triệu lượt khách, giảm 22% so với cùng kì năm trước.
Hãng bay của tỉ phú Phương Thảo cho biết trong quý I/2020 đã chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận tàu bay, nên không phát sinh doanh thu, lợi nhuận chuyển giao, sở hữu và thuê tàu bay. Doanh thu giảm, hãng tích cực cắt giảm chi phí hoạt động, với mức giảm trung bình 35-40% so với cùng kì.
Kết quả, lỗ sau thuế của Vietjet trong 3 tháng đầu năm là 989 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, hãng bay này ghi nhận lãi ròng đến 1.463 tỉ đồng, tăng trưởng 7% so với quý I/2018.
Mức tăng trưởng lợi nhuận ròng theo quý của Vietjet từ trước đến nay luôn rất tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quý I/2020 là quý đầu tiên trong lịch sử hãng bay giá rẻ này ghi nhận lỗ.
Vietjet cũng cho biết từ đầu năm đến nay đã thực hiện một loạt biện pháp ứng phó với dịch bệnh nhằm kiểm soát tình hình thua lỗ, như mở rộng dịch vụ vận chuyển hàng hóa đa dạng trong nước và quốc tế, mang lại doanh thu mới và ổn định.
Ngoài ra, hãng bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài, để chủ động trong hoạt động khai thác, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay, cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
Hãng cũng đã đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn các khoản phải trả từ 3-12 tháng, giúp có nguồn lực tài chính để đi qua đại dịch, và sẵn sàng nguồn lực khi thị trường khôi phục, bật tăng trở lại.
Vietjet cho rằng kết quả kinh doanh của hãng vẫn tích cực hơn so với toàn ngành hàng không. Đặc biệt, mức lỗ gần 1.000 tỉ đồng của hãng thấp hơn dự kiến ban đầu của ban lãnh đạo công ty.
Với kết quả kinh doanh vừa công bố, mức lỗ của Vietjet trong 3 tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức lỗ của Vietnam Airlines.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Vietnam Airlines công bố trước đó, ghi nhận khoản lỗ kỉ lục chưa từng thấy, thậm chí mức lỗ ròng 3 tháng đầu năm còn cao hơn cả lợi nhuận cả năm 2019 của hãng hàng không quốc gia.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines chỉ đạt 18.813 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kì năm ngoái. Giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu khiến hãng lỗ gộp 632 tỉ đồng.
Kết quả, 3 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia lỗ sau thuế 2.612 tỉ đồng. Trong khi đó, quý I/2019, hãng lãi sau thuế 1.212 tỉ. Như vậy, Vietnam Airlines lỗ gấp 2,6 lần so với Vietjet.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành từng cho biết doanh thu hợp nhất của tổng công ty 3 tháng đầu năm chỉ đạt 19.212 tỉ đồng và lỗ 2.383 tỉ. Những con số dự báo này tại thời điểm đó được xem là số lỗ "quá khủng", nhưng tại báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, số lỗ của Vietnam Airlines đã vượt dự tính của lãnh đạo tổng công ty.
Tập đoàn FLC đang sở hữu hơn 52% vốn Bamboo Airways, cũng vừa báo lỗ ròng quý I/2020 tới 1.892 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất của FLC không công bố cụ thể kết quả kinh doanh mảng hàng không của Bamboo Airways. Tuy nhiên, kể từ khi hợp nhất kết quả kinh doanh hàng không từ quý I/2019, lợi nhuận của FLC đã giảm nghiêm trọng. Đơn cử, quý I/2019, lợi nhuận FLC chỉ còn 8 tỉ đồng, giảm từ mức gần 100 tỉ tại thời điểm quý I/2018.
Và đến lúc ngành hàng không bị thiệt hại nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19, quý I năm nay, lợi nhuận sau thuế của FLC lỗ gần 1.900 tỉ đồng. Đây là số lỗ quý lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý, từ cuối năm 2011 đến nay.
FLC lí giải nguyên nhân lỗ nặng là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Điều này khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh, tập đoàn rơi vào tình trạng kinh doanh không đủ bù giá vốn.
Hàng không được xem là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19.
Từ đầu năm nay, các hãng hàng không trong nước đã giảm số lượng chuyến bay quốc tế sang khu vực Đông Bắc Á khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Tiếp đến là các chuyến bay sang Hàn Quốc khi nước này nổi lên là ổ dịch mới của châu Á sau Trung Quốc.
Sau khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, các đường bay quốc tế của Vietnam Airlines, Vietjet đều bị đóng. Trong khi kế hoạch mở đường bay mới của Bamboo Airways cũng phải tạm hoãn.
3 tháng đầu năm, các hãng bay vẫn duy trì bay nội địa và một số đường bay quốc tế khác. Hoạt động của doanh nghiệp chỉ gần như ngưng trệ hoàn toàn từ ngày 1/4, khi chỉ còn thực hiện một số chuyến bay mỗi ngày nối Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Những ngày thực hiện cách li xã hội, số chuyến bay các hãng được phục vụ chỉ chiếm 1-2% so với trước đây. Do đó, dự báo, quý II/2020, kết quả kinh doanh của các hãng hàng không cũng có thể khó khả quan.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng hàng không nói chung là ngành đặc biệt bị tác động vì dịch bệnh. Riêng Vietnam Airlines, với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt cũng phải mất 5 năm mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.
Trong khi đó, Vietjet cũng đang kì vọng các gói hỗ trợ ngành hàng không hiện nay như không giới hạn việc miễn giảm các loại thuế, phí dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay, gói hỗ trợ tài chính, gia hạn nợ vay…
Riêng Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ tận dụng việc giá dầu giảm kỉ lục khiến chi phí nhiên liệu bay rẻ nhất trong gần 20 năm qua. Đồng thời, đưa ra nhiều loại hình sản phẩm mới, như các loại thẻ bay thoải mái không giới hạn với chi phí thấp nhằm ứng phó với những thay đổi do đại dịch Covid-19 đang gây ra.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020