Gã khổng lồ hãng không United Airlines sa thải 13 giám đốc điều hành vì hết tiền trả lương

Kênh truyền hình CNBC cho hay United Airlines đang cắt giảm 13 trong tổng số 67 giám đốc điều hành của hãng, trong một nỗ lực tiết kiệm tiền trước những tác động tồi tệ từ đại dịch Covid - 19.

Hôm 29/5, United Airlines cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 13 trong số 67 giám đốc điều hành của mình để tiết kiệm chi phí, khi nhận thấy nhu cầu đi lại chưa thể tăng sau đại dịch Covid - 19.

Hãng hàng không có trụ sở tại Chicago, giống như các đối thủ cạnh tranh American và Delta, đang đưa ra những lựa chọn nghỉ việc tự nguyện, hoặc các lựa chọn khác cho hàng ngàn nhân viên. Bởi việc sa thải hoặc cắt giảm người lao động đã bị cấm đến hết ngày 30/9, trong điều khoản của gói viện trợ 25 tỉ USD cho ngành hàng không, mặc dù một số hãng bay đã cắt giảm lịch trình bay của các phi hành đoàn.

Sự ra đi của 13 giám đốc điều hành United Airlines sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Gã khổng lồ hãng không United Airlines tiếp tục sa thải 13 Giám đốc điều hành vì hết tiền trả lương - Ảnh 1.

United Airlines tiếp tục sa thải 13 Giám đốc điều hành vì hết tiền trả lương. (Ảnh: Justin Sullivan/CNBC).

Không chỉ United Airlines, ngày 27/5 một ông lớn trong ngành hàng không Mỹ khác là American Airlines cũng cho biết đang lên kế hoạch cắt giảm 30% nhân viên quản lí và hỗ trợ. Đồng thời, giảm khoảng 5.000 việc làm bởi Covid - 19 đang khiến doanh thu của hãng bị sụt giảm trầm trọng.

Về phần mình, một hãng bay có tên tuổi là Delta Air Lines cũng sẽ đưa ra các tuỳ chọn tự nguyện nghỉ việc, nghỉ phép không lương hay nghỉ hưu sớm dành cho nhân viên, CEO Delta Ed Bastian cho biết trong ngày thứ Tư (27/5).

Tháng trước, các hãng hàng không tại Mỹ đã bắt đầu được nhận một phần của gói viện trợ liên bang trị giá 25 tỉ USD. Các hãng bay chấp nhận viện trợ đều bị cấm sa thải hoặc cắt giảm mức lương của nhân viên đến hết ngày 30/9.

Nhu cầu di chuyển trong ngành hàng không đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỉ vì Covid - 19. Dữ liệu liên bang cho thấy, số người đi qua các trạm kiểm soát sân bay tại Mỹ giảm tới 85% so với cùng kì năm ngoái.

"Trong một tín hiệu khả quan hơn, chúng tôi dự kiến lịch trình bay trong tháng 7 sẽ chỉ giảm khoảng 75% thay vì giảm 90% như hiện tại. Nhu cầu đi lại bằng máy bay vẫn còn cách rất xa so với thời điểm cuối năm 2019, và tác động tài chính đối với công việc kinh doanh của chúng tôi vẫn hết sức nghiêm trọng", đại diện United Airlines cho biết.

Các giám đốc điều hành bị sa thải lần này đang làm việc trong mạng lưới của hãng hàng không, các chi nhánh và các bộ phận hỗ trợ khác. United Airlines từ chối cho biết việc tái cơ cấu sẽ mang lại bao nhiêu tiền cho công ty.

Từ đầu năm nay, các hãng hàng không đã dừng hoạt động đối với hàng trăm máy bay, cắt giảm hàng ngàn chuyến bay và hiện tại đang cắt giảm chi phí để chống chọi lại với sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu.

Các hãng bay gần đây đã công bố những khoản lỗ đầu tiên sau nhiều năm, và cho biết tình hình tài chính của họ sẽ còn xấu hơn nữa trước khi nó có thể phục hồi.

Trong báo cáo hàng quý vào cuối tháng trước, United Airlines cho biết hãng có 9,6 tỉ USD sau khi nhận thêm được 4 tỉ USD từ các khoản vay, cho thuê máy bay và bán cổ phần. Số tiền này không bao gồm 5 tỉ USD tiền lương hỗ trợ từ Chính phủ.

Mặc dù gặp khó, nhưng hãng bay Mỹ vẫn khẳng định sẽ cố gắng duy trì và sẽ không dễ dàng đầu hàng hay nộp đơn xin phá sản.

"Việc nộp đơn xin phát sản sẽ không bao giờ xảy ra, ngay cả trong suy nghĩ của tôi. Đó là một ý tưởng ngớ ngẩn nhất có thể", CEO mới của United Airlines Scott Kirby - người đã lên nắm quyền vào cuối tuần trước, nói với các nhà đầu tư trong một cuộc hội nghị trực tuyến diễn ra vào thứ Năm (28/5).

"Sẽ không có phần trăm, không có cơ hội nào cho ý tưởng đó. Đây là điều tồi tệ nhất cho các cổ đông, cho các chủ nợ và càng tệ hơn cho nhân viên. Một lựa chọn tồi tệ cho tất cả mọi người", ông Kirby nói.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.