Hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ phá sản vì Covid-19, ngành hàng không thế giới trong 1 ngày phải chứng kiến 2 hãng bay đóng cửa

Hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ chính thức nộp đơn xin phá sản vì ảnh hưởng của Covid-19, dù năm ngoái thu lãi tới 190 triệu USD. Trong cùng một ngày, ngành hàng không phải tạm biệt với hai tên tuổi lớn, Latam Airlines và Thai Airways.

Hãng tin ABC cho biết, Latam Airlines, hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ, đã nộp hồ sơ bảo vệ phá sản trong ngày hôm nay, 26/5, khi họ phải vật lộn với sự suy giảm trầm trọng trong du lịch hàng không, gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Việc một hàng bay lớn hàng đầu lục địa đi đến bước đường cùng, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của những thách thức tài chính đối với ngành du lịch, dưới lệnh kiểm dịch và các biện pháp cứng rắn được các chính phủ trên thế giới áp dụng, để ngăn chặn sự lây lan của Sars-CoV-2.

"Các chuyến bay chở khách và hàng hóa sẽ tiếp tục hoạt động trong quá trình hoàn thiện thủ tục phá sản, và nhân viên vẫn sẽ được trả lương. Khách du lịch với vé máy bay hiện hữu vẫn có thể sử dụng chúng", đại diện hãng hàng không có trụ sở tại Santiago, Chile cho biết.

Giám đốc điều hành Roberto Alvo khẳng định Latam đã có lãi trước khi đại dịch khiến hầu hết các chuyến bay của thế giới tạm dừng, nhưng đang phải đối mặt với sự sụp đổ của nhu cầu toàn cầu.

Hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ phá sản vì Covid-19, dù lãi tới 190 triệu USD vào năm ngoái - Ảnh 1.

Dù vẫn có lãi đến hàng trăm triệu USD vào năm ngoái, Latam Airlines vẫn giả biệt bầu trời chỉ sau 3 tháng Covid-19 có mặt. (Ảnh: CBC).

Latam là hãng vận tải lớn nhất Nam Mỹ tính theo lưu lượng hành khách. Hãng đã khai thác hơn 1.300 chuyến bay mỗi ngày, và vận chuyển 74 triệu hành khách vào năm ngoái. Hãng hàng không đang có hơn 340 máy bay trong đội bay và gần 42.000 nhân viên. Latam báo cáo lợi nhuận 190 triệu đô la trong năm 2019.

"Chúng tôi đang hướng tới một tương lai hậu Covid-19 và tập trung vào việc chuyển đổi đội ngũ của chúng tôi, để thích nghi với cách bay mới, với sức khỏe và sự an toàn của hành khách và nhân viên của chúng tôi là tối quan trọng", hãng nêu rõ trong thông báo nộp đơn phá sản.

Hồ sơ phá sản của Latam bao gồm công ty mẹ Latam Airlines Group SA và các hãng hàng không trực thuộc tại Colombia, Peru và Ecuador, cũng như các doanh nghiệp của ở Mỹ. Tuy nhiên, đợt phá sản này không bao gồm các chi nhánh tại Argentina, Brazil và Paraguay. Latam tiết lộ hãng đang thương thảo với chính phủ Brazil về cách tiến hành các hoạt động tại đất nước này trong tình hình khó khăn.

Latam vẫn hi vọng vào nỗ lực tái tổ chức, nhờ có sự hỗ trợ của hai cổ đông nổi tiếng, gia đình tài phiệt Cueto ở Chile và gia đình Amaro của Brazil. Ngoài ra, Latam còn đang trông cậy vào Qatar Airways, công ty sở hữu 10% Latam.

"Ba cổ đông này đã đồng ý cung cấp tới 900 triệu USD tài chính khi Latam tiến hành quá trình phá sản. Chúng tôi hiện có 1,3 tỉ USD trong tay", một nhân viên cấp cao tiết lộ.

Hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ phá sản vì Covid-19, dù lãi tới 190 triệu USD vào năm ngoái - Ảnh 2.

Latam vẫn giữ một số chi nhánh nhỏ, tiếp tục đàm phán với các đối tác để trở lại bầu trời trong giai đoạn hậu Covid-19. (Ảnh: Axios).

Latam đã đạt được thỏa thuận bán 20% cổ phần cho Delta Air Lines với giá 1,9 tỉ USD vào năm ngoái. Giám đốc điều hành Delta Ed Bastian bày tỏ sự tin tưởng vào quản lí của Latam. 

"Các hãng hàng không trên toàn cầu đã bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, mà không có kế hoạch kinh doanh nào có thể chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi vẫn kiên quyết cam kết hợp tác với Latam, và tin rằng họ sẽ thành công sau đợt này, trở thành đối tác Delta mạnh hơn trong dài hạn", ông Bastian nói.

Chỉ trong một ngày 26/5, Latam Airlines cùng Thai Airways dắt tay nhau nộp đơn phá sản. Ngành hàng không trải qua ngày "thứ ba đen tối" khi cả hai đều là những tên tuổi gạo cội.

Động thái của Latam diễn ra sau gần 2 tuần khi một hãng hàng không lớn khác của Mỹ Latinh, Avianca Holdings, nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York. Hãng hàng không lớn thứ hai của Úc, Virgin Australia, cũng hoàn thiện hồ sơ xin phá sản tại thị trường quê nhà vào tháng trước.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.