Tổng cục Thống kê đã tổ chức cuộc khảo sát nhanh, nhằm thu thập thông tin về tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/4 đến ngày 20/4, với 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hạch toán toàn ngành.
Tổng cục Thống kê đánh giá đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết khu vực doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này được lí giải rằng doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, và chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Các tập đoàn, tổng công ty có quy mô kinh tế lớn có tỉ lệ doanh nghiệp chịu tác động lên tới 94,6%.
Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất, với 88,7%. Còn theo khu vực kinh tế, tại thời điểm hiện nay, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19, với tỉ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%.
Tổng cục Thống kê chỉ rõ một số ngành kinh tế có tỉ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lí du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%. Tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỉ lệ trên 90%.
Theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là hai vùng có tỉ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất từ dịch Covid-19, với trên 88,5%. Đây đều là những vùng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Một số địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa,… có tỉ lệ doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 cao nhất, trên 92%.
Đi vào cụ thể, có hơn 126.000 doanh nghiệp chỉ rõ 4 khó khăn chính mà đại dịch Covid-19 đang gieo rắc lên nền kinh tế.
Có 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, khó khăn hàng đầu là thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Tổng cục Thống kê khẳng định, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận doanh nghiệp hiện nay. Thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều gặp khó khăn, là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm nên nhu cầu tiêu thụ cũng giảm mạnh.
khảo sát cũng cho rằng Covid-19 như một phép thử nghiệt ngã về tài chính của các doanh nghiệp. Có tới 45,4% số doanh nghiệp khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Tổng cục cho rằng, đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay, và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có tỉ lệ thiếu hụt nguồn vốn cao nhất, với 49,8%. Theo ngành kinh tế, khu vực doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỉ lệ thiếu hụt vốn cao nhất, với 54,1% số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 càng kéo dài, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh nghiệp càng cạn kiệt. Tính đến thời điểm điều tra, có 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Đây là vấn đề dễ dàng nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của nước ta đều là các nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Hoành hành suốt 3 tháng liền, đại dịch Covid-19 đặt lên vai hàng trăm nghìn doanh nghiệp những gánh nặng chưa từng thấy. Theo khảo sát, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay, chiếm tới 40,3%.
Tình hình kinh tế cả nước gặp khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ, bên cạnh đó doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác,…
Có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời mang tính tiêu cực. Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên có 39,5% doanh nghiệp lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động.
28,4% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; 21,3% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và 18,9% doanh nghiệp giảm lương lao động.
Theo quy mô, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có tỉ lệ áp dụng các giải pháp về lao động nhiều nhất, lên tới hơn 73,0%. Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là giải pháp được doanh nghiệp ở tất cả các nhóm ưu tiên lựa chọn.
Giải pháp cho lao động nghỉ không lương và giảm lương cũng được một bộ phận doanh nghiệp áp dụng.
Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng có tỉ lệ doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động và cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên cao nhất, lần lượt là 32,8% và 44,2%. Khu vực dịch vụ dù được dự đoán chịu ảnh hưởng nặng nhưng chỉ khoảng 25% doanh nghiệp áp dụng các giải pháp cắt giảm lao động.
Tuy nhiên, khảo sát trên cũng nhận thấy điểm sáng. Giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động trong thời điểm hiện nay đang được nhiều doanh nghiêp áp dụng, với tỉ lệ đến 44,7%.
Tổng cục Thống kê công bố, trong số những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động. Trong đó có tới 23,6% là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ.
Theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ có tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao nhất. Trong đó, các nhóm ngành ăn uống, lưu trú và du lịch có tỉ lệ rất cao, lần lượt là 54,0%; 51,1% và 49,5%.
Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh. Doanh thu quý I/2020 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kì năm trước, và ước tính 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ bằng 69,6% so với cùng kì.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối quý II/2020, Tổng cục Thống kê ước tính có 134.000 doanh nghiệp cả nước phải tạm ngừng hoạt động, hoặc phá sản. Trong đó, có hơn 98.000 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ và gần 35.000 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng phải tạm ngừng hoạt động.
Đáng nói, có gần 130.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tạm ngừng hoạt động.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý III/2020, doanh nghiệp gặp khó khăn càng trở nên nghiêm trọng, ước tính sẽ có hơn 160.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoặc phá sản. Con số này tiếp tục tăng nhanh lên hơn 205.000 doanh nghiệp nếu đại dịch kéo dài đến hết năm 2020.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020