Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Công ty đã bàn chán chê chuyện M&A vì sẽ mua được doanh nghiệp giá rẻ, nhưng chúng tôi nói không, thâu tóm lúc này là thất đức

Chủ tịch Thế Giới Di Động khẳng định tập đoàn không có ý định M&A lúc này. "Vì như vậy là lợi dụng doanh nghiệp khác khó khăn để thâu tóm. Ngược lại, có thể chúng tôi đầu tư 20-30% vào những ngành phụ trợ nếu tìm được doanh nghiệp tốt".

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến của Forbes Việt Nam tối qua, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho rằng M&A (mua bán và sáp nhập) ở thời điểm hiện nay là một chủ đề rất được quan tâm. Ông Tài khẳng định lúc này nếu có ý định thì chắc chắn sẽ mua được những doanh nghiệp giá rẻ. 

Nhưng "Ban lãnh đạo công ty cũng đã có nhiều cuộc họp nội bộ, đã tính, đã bàn chán chê rồi, và chúng tôi quyết định nói không. Bởi lúc này nhiều doanh nghiệp khó khăn, mình tham gia mua bán như vậy không khác nào lợi dụng người ta khó để thâu tóm. Như vậy là thất đức lắm", ông Tài nói.

Không M&A, Thế Giới Di Động có thể đầu tư vào ngành phụ trợ 

Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết thời gian qua, nội bộ tập đoàn đã nhiều lần họp bàn, về việc có nên tranh thủ tình hình dịch bệnh Covid-19, để thâu tóm doanh nghiệp khác với giá rẻ. Bởi đây được xem là thời điểm thuận lợi để các "ông lớn" ra tay, và thực tế trong các cuộc khủng hoảng, kịch bản này đã xảy ra nhiều.

"Đây là lúc mua rẻ nhất luôn. Một thương hiệu 500-700 cửa hàng nhưng giá mua lại chỉ 700-800 tỉ đồng thôi. Nhiều lúc tính là Thế Giới Di Động sẽ mua đó, mua vào bán ra là lời liền, nhưng rồi chúng tôi phải nghĩ lại. Đây có phải là lúc để mua hay không", ông Tài nói.

Ông Nguyễn Đức Tài: Thâu tóm giá rẻ lúc này là thất đức, Thế Giới Di Động có thể đầu tư lĩnh vực phụ trợ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài: Thâu tóm giá rẻ lúc này là thất đức, Thế Giới Di Động có thể đầu tư lĩnh vực phụ trợ. (Ảnh: MWG).

Nhà sáng lập Thế Giới Di Động cho rằng ngay lúc tình hình khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà thực hiện mua lại thì không ổn lắm. Ông khẳng định như vậy là không có đức trong kinh doanh, thất đức.

Trước đó, trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư, chính ông Nguyễn Đức Tài cũng khẳng định Thế Giới Di Động sẽ không bán cổ phần chuỗi nhà thuốc An Khang lúc này. An Khang là doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm mà Thế Giới Di Động đã mua lại gần 50% cổ phần hồi cuối năm 2017, và vẫn đang chịu lỗ. Nhưng ông nói doanh nghiệp không phải là tập đoàn chuyên đi M&A, chuyên mua doanh nghiệp để bán lại kiếm lời, mà vẫn đang chờ thời cơ thích hợp để đầu tư.

 "Ngược lại Thế Giới Di Động có thể đầu tư vào những ngành phụ trợ, hà hơi tiếp sức để doanh nghiệp trong các lĩnh vực này có thể trụ lại, phát triển tiếp. Chẳng hạn, nếu tìm được một công ty vận tải nào phù hợp thì đầu tư 20-30%, để hỗ trợ đưa hàng đến hệ thống phân phối", ông Tài nói

Nhà sáng lập Thế Giới Di Động giải thích răng đây không phải mua đứt doanh nghiệp với giá rẻ mà là đầu tư, để doanh nghiệp trong ngành phụ trợ được "hà hơi tiếp sức", có được một đối tác lớn hỗ trợ, vượt qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Thế Giới Di Động cũng đã phải giảm lương nhân viên trong đợt dịch Covid-19 này

Chia sẻ về những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết trong lịch sử của tập đoàn, dịch Covid-19 cũng là lần thứ hai doanh nghiệp quyết định giảm lương người lao động vì khó khăn chung.

Ông Nguyễn Đức Tài: Thâu tóm giá rẻ lúc này là thất đức, Thế Giới Di Động có thể đầu tư lĩnh vực phụ trợ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Tài cho biết nhân viên Thế Giới Di Động cũng bị giảm thu nhập nhưng chỉ giảm 1 tháng, với những người ở mức quản lí, bắt đầu từ tháng này lương sẽ trở lại bình thường. (Ảnh: Phúc Minh).

"Nhưng việc giảm lương lần này cũng không nhiều và không đáng kể. Chủ yếu giảm của cấp quản lí, riêng những lãnh đạo doanh nghiệp như chúng tôi thì đợt vừa rồi đã tình nguyện không lãnh lương. Việc giảm thu nhập của người lao động chỉ diễn ra đúng 1 tháng thôi, từ tháng 5 này, sau khi cân đối và cân nhắc, công ty quyết định vẫn đảm bảo thu nhập đầy đủ cho toàn bộ nhân viên", ông Tài nói.

Theo lãnh đạo Thế Giới Di Động, cũng nhờ cân đối, tính toán các cách có thể mà giữa khó khăn vừa rồi, doanh nghiệp không để bất cứ một người lao động nào mất việc, dù bộ máy 60.000-70.000 người. "Người lao động được xem là rất quý giá với Thế Giới Di Động, người làm nên văn hoá với khách hàng, tạo được niềm tin với người tiêu dùng từ trước đến nay, chúng tôi chấp nhận giảm thu nhập chứ nhất định không thể mất người", ông Tài nói.

Ông cho rằng dịch sẽ qua, nhân lực thì quý giá và đội ngũ này rất cần thiết cho việc mở rộng thị phần sau "bão" Covid-19.

"Trong quá khứ, chúng tôi xây dựng niềm tin cho người lao động. Doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi thì người lao động cũng được hưởng lợi. Bỗng một ngày đẹp trời, điện thoại của nhân viên ting ting, báo tiền thưởng. Thì đến lúc khó khăn, nhân viên cũng sẽ cùng đồng cam cộng khổ với tập đoàn. Vừa qua, không có chuyện lao động đình công hay buồn bực về thu nhập giảm", ông Tài nói.

Nói về văn hoá doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho rằng điều này có vai trò rất lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô, là chất keo giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, đúng mục đích.

Tại Thế Giới Di Động, văn hoá đó là khách hàng luôn được tôn trọng, nhân viên luôn có tinh thần phục vụ cao, quy trình làm với cái tâm. Đó cũng là lí domà trong khó khăn, tập đoàn quyết không sa thải bất kì người lao động nào.

Ông Nguyễn Đức Tài: Kinh doanh chữ đức là quan trọng nhất

Chia sẻ về việc làm thế nào để doanh nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho rằng quan điểm của ông khác một chút với các doanh nhân, khác với sách vở, hoặc quan điểm là phát triển phải cần công nghệ, cần vốn…

Ông Nguyễn Đức Tài: Thâu tóm giá rẻ lúc này là thất đức, Thế Giới Di Động có thể đầu tư lĩnh vực phụ trợ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Tài: Kinh doanh chữ đức là quan trọng nhất. (Ảnh: Phúc Minh).

"Sau mười mấy năm bôn ba, tôi cho rằng trong kinh doanh, bền vững cốt lõi là chữ đức, tức những gì thật, làm có đức thì sẽ tồn tại, phát triển. Bền vững từ chữ đức khiến doanh nghiệp luôn xây dựng những điều thật được khách hàng biết, người dùng biết, đối tác biết. Mình ảo, người ta biết hết đó, nhưng người ta không nói. Những gì ảo, chụp giựt bừng lên nhanh thì ra đi cũng nhanh không kém", ông Tài nói.

Thế Giới Di Động nếu không có đức thì giữa khó khăn vừa qua, tập đoàn đã cắt giảm nhân viên và tiếp tục duy trì chính sách giảm thu nhập trong tháng 5, chắc chắn lợi nhuận doanh nghiệp sẽ  lớn hơn. 

Ông chọn giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí hoạt động như thương lượng giá thuê mặt bằng, đối tác và các khoản chi phí khác để giữ lao động. Đây cũng là cách mà nhà sáng lập Thế Giới Di Động khuyên các doanh nghiệp nhỏ, để vượt qua khó khăn, vực dậy sau đại dịch.