Chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ thêm tiền tỉ, sếp Thế Giới Di Động nói chưa sẵn sàng đầu tư bài bản cho dược phẩm

Tính đến hết quý I/2020, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ lũy kế 7 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng Thế Giới Di Động đã M&A thì không phải để bán kiếm lời, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư bài bản cho mảng dược phẩm.

Đổ tiền vào lĩnh vực dược phẩm từ cuối năm 2017, với chuỗi nhà thuốc An Khang nhưng đến nay chuỗi này vẫn chưa được Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ - mã chứng khoán: MWG) đầu tư nhiều.

Lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ này cũng ít nhắc đến chuỗi nhà thuốc An Khang. Nhưng ngược lại, các nhà đầu tư luôn rất quan tâm đến mảng kinh doanh này của Thế Giới Di Động.

Ông Nguyễn Đức Tài: Thế Giới Di Động không mua An Khang rồi bán kiếm lời

Cuối năm 2017, Thế Giới Di Động chính thức bước chân vào lĩnh vực dược phẩm khi mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Thời điểm đó, dù thương vụ chưa được công bố rầm rộ nhưng Thế Giới Di Động đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực dược phẩm.

Chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ thêm tiền tỉ, Thế Giới Di Động nói đã M&A thì không phải để bán - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài nói Thế Giới Di Động không mua An Khang rồi bán kiếm lời. (Ảnh: Phúc Minh).

Sau đó, Phúc An Khang thay đổi thương hiệu thành An Khang, cùng với việc mở những nhà thuốc đầu tiên với logo của Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, cho đến nay, tức đã hơn 2 năm nhưng chuỗi này vẫn chỉ mới có khoảng 20 cửa hàng tại TP HCM.

Không ít lần tại các cuộc gặp mặt nhà đầu tư, dù lãnh đạo Thế Giới Di Động không đề cập về chuỗi nhà thuốc An Khang nhưng ngược lại, các nhà đầu tư rất quan tâm.

Tại buổi gặp mặt mới đây, một số nhà đầu tư tiếp tục yêu cầu nói về chuỗi nhà thuốc An Khang, liệu tập đoàn có quyết định bán chuỗi này sau nhiều năm đầu tư nhưng chưa "hái quả".

"Đã M&A thì không phải để bán. Đây không phải tổ chức chuyên mua doanh nghiệp để bán lại kiếm lời. Dược phẩm là một lĩnh vực thú vị, chỉ có điều nó đang có những rào cản kì cục quá, Thế Giới Di Động vẫn chưa sẵn sàng đầu tư lớn cho chuỗi nhà thuốc An Khang", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài khẳng định.

Theo ông, do quy định của pháp luật về việc kinh doanh nhà thuốc còn chưa rõ ràng, hoàn thiện, nếu doanh nghiệp đầu tư bài bản có thể gặp rủi ro pháp lí. Nói rõ hơn, ông cho biết nếu nhìn kĩ những chuỗi nhà thuốc khác, cùng một bảng hiệu nhưng cửa hàng là do cá nhân đăng kí kinh doanh, mà không phải doanh nghiệp.

Ông Tài cho rằng đây là vướng mắc lớn và trở ngại chung, nên dù đã M&A hơn 2 năm trước nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc này.

"Tập đoàn chưa sẵn sàng lao vào cuộc chơi lùng bùng như vậy. Chúng tôi vẫn đang chờ để cho luật pháp rõ ràng. Nếu luật pháp làm ngon lành, ai cũng như ai được tự do kinh doanh thì Thế Giới Di Động sẵn sàng nhảy vào, bởi hiện nay dễ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp làm ăn bài bản", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói.

Nhà thuốc An Khang đã lỗ bao nhiêu?

Tính đến nay, chuỗi nhà thuốc An Khang đã liên tục thua lỗ và đốt dần khoản đầu tư hàng chục tỉ đồng của Thế Giới Di Động trong hơn hai năm qua. 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Thế Giới Di Động lần đầu tiên tiết lộ về khoản đầu tư này. Theo đó, Thế Giới Di Động đã chi 62 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần, tương đương 49% tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Bán lẻ An Khang.

Chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ thêm tiền tỉ, Thế Giới Di Động nói đã M&A thì không phải để bán - Ảnh 2.

Tính đến hết quý I/2020, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ lũy kế 7 tỉ đồng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Chỉ sau nửa năm hoạt động, báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động ghi nhận chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ lũy kế tổng cộng 734 triệu đồng. Tuy nhiên, con số lỗ vẫn còn rất nhỏ so với kết quả kinh doanh giai đoạn sau này của An Khang.

Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2018, chuỗi nhà thuốc này lỗ thêm 1,4 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế cả năm đầu tiên sau khi nhận chuyển nhượng là 2,1 tỉ. 

Bước sang năm thứ hai, chuỗi này lỗ 3,5 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 5,6 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là nửa cuối năm 2019, chuỗi dược phẩm An Khang lỗ lên đến 3 tỉ đồng. Đây cũng giai đoạn chuỗi nhà thuốc này ghi nhận lỗ lớn nhất.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa công bố cập nhật thêm số lỗ của chuỗi nhà thuốc An Khang 3 tháng đầu năm là 1,4 tỉ đồng. Như vậy, dù ngành dược được cho rằng sẽ hưởng lợi trong dịch bệnh Covid-19, nhưng tình hình kinh doanh của chuỗi nhà thuốc An Khang cũng không thể khả quan hơn. 

Lũy kế đến hết tháng 3/2020, tổng lỗ của chuỗi này xấp xỉ 7 tỉ đồng. Như vậy, khoản đầu tư 62 tỉ đồng của Thế Giới Di Động tại chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ còn lại 55 tỉ đồng.

Thế Giới Di Động tạm gác mục tiêu mở trăm nhà thuốc An Khang

Thực tế, ngay khi vừa chính thức bước chân vào mảng dược phẩm được vài tháng, bằng việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang thì lãnh đạo Thế Giới Di Động đã "suy nghĩ lại" về lĩnh vực này.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, ông Nguyễn Đức Tài thông tin tập đoàn vẫn chưa quyết định mua "đứt" 51% vốn tại chuỗi dược phẩm An Khang, để đánh giá lại rủi ro. Và hơn 2 năm qua vẫn chưa quyết định sẽ đánh mạnh vào lĩnh vực này.

Chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ thêm tiền tỉ, Thế Giới Di Động nói đã M&A thì không phải để bán - Ảnh 3.

CEO Trần Kinh Doanh cho rằng giai đoạn này Thế Giới Di Động đang dồn lực cho Bách Hoá Xanh nên chưa ưu tiên dược phẩm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tổng giám đốc Thế Giới Di Động - ông Trần Kinh Doanh, cũng có lần lí giải vì sao tập đoàn M&A trong bán lẻ dược phẩm. Ông Doanh cho rằng để một tập đoàn lớn liên tục phát triển thì phải có những sản phẩm mới, những thử nghiệm ở các mô hình khác, bên cạnh 3 trụ cột là điện thoại, điện máy và bán lẻ thực phẩm.

"Nhưng khối lượng công việc hiện làm cho Bách Hóa Xanh rất nhiều và ưu tiên cho Bách Hóa Xanh, nên chuỗi nhà thuốc không được ưu tiên. Khả năng chuỗi nhà thuốc chỉ dừng lại ở con số đang có. Khi Bách Hóa Xanh ngon lành thì sẽ làm nhà thuốc", ông Doanh nói.

Trước khi đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động cho rằng mảng dược phẩm rất có tiềm năng, khi trên thị trường chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm đến 20% thị phần. Thế Giới Di Động sẽ tự tìm các doanh nghiệp có khả năng, với quy mô hơn chục điểm bán để mua 20-40% cổ phần, sau đó sẽ nâng tỉ lệ sở hữu lên 60%. 

"Đế chế" bán lẻ này cũng mong muốn sẽ mở rộng chuỗi nhà thuốc lên hàng trăm điểm kinh doanh khi thấy thời điểm chín muồi, như cách làm với thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Kinh Doanh, việc phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang tiếp tục gác lại. Doanh nghiệp sẽ đầu tư bài bản khi chuỗi Bách Hóa Xanh đã hái được quả ngọt và đặc biệt, quy định pháp luật về kinh doanh chuỗi nhà thuốc được hoàn thiện.