Tiêu chí đánh giá của Vietnam Report dựa trên ba yếu tố: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; đánh giá truyền thông và đánh giá qua khảo sát.
Kết quả, dẫn đầu nhóm hàng tiêu dùng nhanh là Tập đoàn Central Retail Việt Nam - ông chủ thương hiệu Big C. Theo sau là CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce - doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu Vinmart và Vinmart +.
Những cái tên tiếp theo nằm trong top 10 gồm có những cái tên quen thuộc như MM Mega Market (Việt Nam); Aeon Việt Nam; Lotte Việt Nam; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - MTV (Satra); CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Đối với nhóm hàng lâu bền, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG); CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) là ba cái tên dẫn đầu danh sách top 10.
Những cái tên còn lại bao gồm CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT; Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC; Công ty TNHH Cao Phong; Media Mart Việt Nam; Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel; thương hiệu sách FAHASA và Công ty TNHH VHC.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng lâu bền doanh số bán hàng trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư chỉ bằng 20 - 40% so với trước đó.
Nhóm hàng tiêu dùng, siêu thị cũng gặp khó khăn khi người dân tăng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống nhưng đây là ngành hàng có biên lợi nhuận thấp trong các ngành hàng.
Báo cáo cũng cho thấy sự phân hóa về tác động của đại dịch giữa hai nhóm hàng lâu bền và tiêu dùng: 71,43% doanh nghiệp nhóm hàng lâu bền đánh giá chịu tác động nghiêm trọng và 28,57% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng vừa phải.
Đối với nhóm hàng tiêu dùng, siêu thị chỉ có 16,67% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiệm trọng; 58,33% đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 25,00% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể.