Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills, phân khúc bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chịu tác động rất mạnh từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, đặc biệt tại TP HCM. Mặc dù vậy, thị trường vẫn đang kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm, do nhu cầu chi tiêu đã bị dồn nén suốt thời gian qua.
Về phía khách thuê, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng. Một số cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa đã khiến công suất và giá chào thuê khu vực này giảm 2% so với quý trước.
Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt tại TP HCM, đó là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
Sang đầu tháng 10, nhóm khách thuê hoạt động trở lại chủ yếu là nhóm F&B. Theo khảo sát, trong thời gian một tuần kể từ ngày các trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa trở lại, các khách thuê vẫn hoạt động thiên về hình thức giao hàng tận nơi hơn.
Các khách thuê F&B cho biết, doanh thu của họ chỉ ở mức khoảng 20 - 30% so với thời điểm tháng 4 - 5, khi mà việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt.
Đối với nhóm khách thuê mới, trong ngắn hạn, các thương hiệu nước ngoài thâm nhập vào thị trường bằng hình thức phân phối trực tiếp có thể sẽ trì hoãn do những hạn chế trong vấn đề đóng cửa biên giới. Thay vào đó, các thương hiệu sẽ thâm nhập thị trường thông qua các đối tác phân phối trong nước.
Năm 2020 vừa qua, bất chấp dịch bệnh, các thương hiệu như Marc Jacob, Tiffany & Co, Dyson, Under Amour, Champion, Sociollla đã vào thị trường. Các thương hiệu nước ngoài mới như Sephora và %Arabica dự kiến sẽ vào thị trường trong 2022. Bên cạnh đó, các hãng khác như Bath & Body Work, Prima Donna, Sports Direct cũng được kỳ vọng sẽ vào thị trường.
Về phía chủ cho thuê, theo Savills, hầu hết các chủ vẫn duy trì giá chào thuê. Giá thuê trung bình tương đối ổn định theo quý và theo năm ở mức 49 USD/m2 mỗi tháng.
"Dù không giảm giá trên giá chào thuê, các chủ nhà đã có các chính sách tốt hơn cho các khách thuê mới. Đơn cử như kéo dài thời gian sửa chữa của khách hàng trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30 - 50% trong ba hoặc 6 tháng đầu tiên, cho các hợp đồng kí mới từ ba đến 5 năm.
Ngoài ra, với khách thuê hiện hữu, chủ nhà cũng có những hỗ trợ rất tích cực thông qua nhiều dự án giảm giá đến 70% giá thuê mỗi tháng cho đến khi hoạt động trở lại, hoặc trực tiếp miễn phí các tháng vừa qua, song song với việc giảm 50% giá dịch vụ", bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết.
Với ngành F&B, thị trường tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của cả những thương hiệu nổi tiếng, luôn thu hút được nhiều khách hàng trong thời điểm trước đây như Starbucks, The Coffee House…
Bà Trang cho rằng, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng là chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đang cố gắng giữ những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong ít nhất là ba tháng tới, sau đó sẽ có động thái mở rộng trở lại trong 2022.
"Thời gian này là lúc các doanh nghiệp cần ngồi lại và xem xét các chiến lược marketing, chuyển đổi offline sang online, chuyển đổi cách thức phục vụ khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng, nâng cao những trải nghiệm của khách hàng đối với việc chuyển đổi số nhiều hơn", bà Trang nhận định.
Về kỳ vọng phục hồi trong quý IV, Savills cho rằng, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì đây sẽ là thời điểm có mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ. Từ đó, các ngành bán lẻ và đặc biệt là ngành F&B sẽ có các dấu hiệu tích cực hơn.