Ngành bán lẻ kỳ vọng phục hồi từ cuối năm nay nhờ kiềm chế lạm phát và giảm áp lực về tồn kho

Theo nhận định của BSC, ngành tiêu dùng bán lẻ sẽ có triển biến tích cực hơn vào cuối năm nay nhờ việc bình thường hoá các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, kì vọng tình hình lạm phát của các cường quốc trên thế giới được kiềm chế, giảm áp lực về tồn kho cao và tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục hạ nhiệt.

Lợi nhuận chững lại từ cuối quý III sau hiệu ứng tiêu dùng bù đắp cùng áp lực từ tồn kho

Trong báo cáo triển vọng về ngành tiêu dùng bán lẻ trong năm 2023 của Chứng khoán BIDV (BSC), đơn vị này cho biết, lũy kế cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.680 tỷ đồng (tăng gần 20% so với năm 2021), nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tất cả các nhóm ngành trên mức nền thấp của 2021 và mức tăng giá 4%, so với cùng kỳ.

Mức tăng trên chủ yếu đến từ nhóm giá nhiên liệu tăng gồm giá xăng dầu tăng 28% và giá Gas tăng 11,5% do bất ổn địa chính trị trên thế giới; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; giá lương thực thực phẩm (tăng từ 1,2% đến 1.6%) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, áp lực của giá nguyên vật liệu tăng cao và nhu cầu ăn ngoài tăng trở lại sau dịch.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng đã có dấu hiệu chững lại từ cuối quý III/2022 và suy giảm giai đoạn cuối quý IV/2022, đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, do mức nền cao của cùng kỳ 2021 sau hiệu ứng tiêu dùng bù đắp cùng với áp lực từ tồn kho cao tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu cụ thể từ Chứng khoán SSI, trong 9 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của năm 2021. Lợi nhuận cốt lõi của Thế giới di động, Bán lẻ kỹ thuật số FRT, CTCP Thế giới số và PNJ tăng lần lượt 28%, 169%, 60% và 132% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, từ quý IV/2022, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã chậm lại đáng kể. Các ngành sử dụng nhiều lao động (dệt & may mặc, nuôi trồng thủy sản, gỗ và du lịch) là những ngành đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Do đó, xuất khẩu suy yếu đã ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng và chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu.

Triển biến tích cực hơn vào cuối năm 2023 nhờ tình hình lạm phát  được kiềm chế, giảm áp lực về tồn kho 

Về triển vọng ngành trong năm 2023, BSC cho biết, năm nay là một năm khó lường đối với ngành, khi những khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ trong nửa đầu năm 2023.

Song, BSC kỳ vọng, ngành tiêu dùng bán lẻ sẽ có triển biến tích cực hơn vào cuối năm nay nhờ việc bình thường hoá các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, kì vọng tình hình lạm phát của các cường quốc trên thế giới được kiềm chế, giảm áp lực về tồn kho cao và tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục hạ nhiệt. 

Đối với nhóm ngành bán lẻ, mức nền cao của 2022 cùng với áp lực từ lãi vay và sức mua suy giảm khiến tình hình cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt và đặt thách thức tăng trưởng chung đối với của nhóm ngành này trong năm 2023 (đặc biệt đối với nhóm ngành điện thoại - điện máy vốn đã có mức nền rất cao trong năm 2022). 

Tuy nhiên, BSC kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sở hữu sức mạnh tài chính, theo đuổi xu hướng tiêu dùng hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành trong năm 2023, nhưng mức tăng có thể thấp hơn so với mức nền cao của 2022, do chiếm thêm thị phần bằng cách mở rộng quy mô và tiến hành M&A, tiến hành tái cấu trúc toàn diện, số hóa và tối ưu hóa mô hình hoạt động của doanh nghiệp.

Còn đối với ngành tiêu dùng, BSC cho biết, dù tăng trưởng từ mức nền thấp của năm 2022 nhưng vẫn đối mặt với áp lực sức mua suy giảm. Biên lợi nhuận gộp của ngành được cải thiện nhờ doanh thu tăng trưởng nhờ nhu cầu ổn định do đã thích nghi được với mặt bằng giá cao hơn trong nửa đầu năm 2022, xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển sau cao trào căng thẳng địa chính trị trên thế giới. 

Ngoài ra, sự kiện kỳ vọng Trung Quốc mở cửa giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hỗ trợ doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp hiện tại.

Còn theo nhận định từ SSI, đơn vị này cho rằng, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô. 

Trong nửa đầu năm 2023, chi phí y tế và học phí sẽ tăng lên, thuế GTGT tăng lên 10% (từ mức hiện tại là 8%) kể từ ngày 1/1. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. 

SSI giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm. SSI ước tính, chi tiêu cho điện thoại & điện máy sẽ giảm 10% so với cùng kỳ và nhu cầu tiêu thụ vàng sẽ không thay đổi vào năm 2023, với mức chi tiêu thấp cho đến nửa đầu năm 2023, sau đó dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí tăng và nhu cầu yếu, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể bị lỗ, do đó mất dần thị phần. Các nhà bán lẻ quy mô nhỏ không tiếp cận được tín dụng ngân hàng cũng có thể bị mất thị phần. Do đó, các nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định có thể giành được thị phần. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.