Ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn 'đi săn' quỹ đất khu vực đô thị mở rộng

Bất động sản bán lẻ Việt Nam được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn. Tuy nhiên các nhà đầu tư đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm diện tích phù hợp.

Theo bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ, Colliers Việt Nam, ngành bán lẻ Việt Nam là một chiếc bánh hấp dẫn. Thị trường có tính cạnh tranh cao và biến động, thể hiện ở việc các thương hiệu luôn so kè nhau về giá, phương thức tiếp thị và bán hàng. Thị trường cũng phụ thuộc nhiều yếu tố từ ngắn hạn như chi phí tăng, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, đến dài hạn như uy tín, độ phủ của nhà bán lẻ và khẩu vị mua sắm giữa các thế hệ. 

Áp lực càng cao hơn khi việc mở rộng bị hạn chế bởi giá đất, giá thuê mặt bằng và khan hiếm quỹ đất lớn ở hai đại đô thị là TP HCM và Hà Nội. Việc phát triển các mô hình bán lẻ quy mô khác nhau (trung tâm thương mại, đại siêu thị) tại trung tâm các thành phố này gần như bất khả thi. Do đó, các nhà đầu tư đã có những chiến lược mở rộng thú vị trong năm 2022. 

Trong đó, xu hướng nổi lên gần đây là ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn “đi săn” quỹ đất ở khu vực đô thị mở rộng của Hà Nội, TP HCM và tại các thành phố khác. 

Đơn cử, ngày 3/11 vừa qua, Emart thứ hai được khánh thành bên trong tổ hợp thương mại dịch vụ Thiso Mall – KĐT Sala, TP Thủ Đức. 

Sau đó không lâu, liên doanh giữa Lotte và IPPG ra mắt cửa hàng miễn thuế (Downtown Duty free) đầu tiên tại Đà Nẵng nhằm đón đầu làn sóng khách du lịch. 

Hay mới đây nhất, trung tâm thương mại SORA Gardens SC tại Thành phố mới Bình Dương vừa cất nóc với chủ đầu tư là Becamex Tokyu và khách thuê chủ lực là Aeon. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động vào hè năm sau, cung cấp thêm 120.000 m2 cho thị trường.

“Các vị trí này được nhắm đến trong bối cảnh tầng lớp trung lưu thành thị ngày càng tăng, đặc biệt ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng”, theo chuyên gia đến từ Colliers.

Các đô thị được xem là động lực tăng trưởng của Việt Nam khi đóng góp 90% tổng mức tăng trưởng tiêu dùng trong 10 năm tới. Trong quá trình đô thị hóa, nguồn cung mặt bằng bán lẻ phát triển với tốc độ khiêm tốn hơn so với các loại hình bất động sản khác vì nó đòi hỏi diện tích lớn, phụ thuộc nhiều vào tính kết nối hạ tầng và nhân khẩu học (số lượng dân cư, mức độ phát triển kinh tế – xã hội). 

 Bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ, Colliers Việt Nam. (Ảnh: Colliers Việt Nam).

Tuy háo hức trước tiềm năng thị trường mà ngành bán lẻ Việt Nam có thể mang lại, các nhà bán lẻ cũng áp dụng chiến lược “chờ đợi và quan sát” một thời gian trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Hai năm đại dịch được coi như giai đoạn R&D (nghiên cứu thị trường) và 2022 là thời điểm nhiều doanh nghiệp tung ra các kế hoạch mở rộng và bứt phá trong cuộc đua ngành bán lẻ.

Miếng bánh thị phần ngày càng hấp dẫn hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng muốn có mặt trên thị trường bán lẻ Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các tay chơi đang hiện diện. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ là tìm kiếm mặt bằng có vị trí, diện tích phù hợp và theo đuổi các thủ tục đầu tư, xin giấy phép. Ngoài ra, trong bối cảnh còn nhiều bất ổn vĩ mô, các nhà đầu tư cũng cần thêm thời gian để theo dõi những tác động từ hiệu ứng domino tới nền kinh tế Việt Nam như thế nào trong hai tới ba năm nữa.

Cần đón đầu nhu cầu mới của khách thuê

Để không vuột mất cơ hội gia nhập thị trường kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ, Colliers Việt Nam khuyên các nhà đầu tư cần đổi mới theo cách linh hoạt và hiện đại hơn. 

Bà Trang cho rằng, dù là gương mặt mới hay cái tên quen thuộc, các doanh nghiệp kinh doanh mặt bằng bán lẻ cần nắm bắt và đón đầu các nhu cầu mới của khách thuê, từ đó trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Chẳng hạn như với chiến lược bán hàng chéo (cross-shopping) hay mô hình bán mang đi (takeaway) và giao hàng (delivery), layout và thiết kế mặt bằng cần được điều chỉnh thích hợp và thuận tiện để tối ưu trải nghiệm mua sắm của khách hàng. 

Nhận định triển vọng bất động sản bán lẻ Việt Nam, chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh ngành bán lẻ đang khoác lên những diện mạo mới với những thay đổi mạnh mẽ về nền kinh tế số, đô thị hóa và hành vi tiêu dùng. Vì vậy, thị trường kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong trung và dài hạn.  

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Fecon: Mục tiêu lãi 2.000 tỷ đến 2029, phát triển loạt bất động sản gần 2 tỷ USD
Định hướng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2024 - 2029, Fecon đặt mục tiêu lãi sau thuế 5 năm lần lượt 60 - 144 - 307 - 343 - 508 - 684 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.