'Mua chung nhà đất qua blockchain là hình thức chứng khoán hóa BĐS, rủi ro mất trắng cao'

Việc ứng dụng blockchain để chia nhỏ bất động sản có ưu điểm là giúp nhà đầu tư ít vốn cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, loại hình này chưa có hành lang pháp lý và đang tiềm ẩn rủi ro.

Mua chung bất động sản bằng công nghệ blockchain là một trong những hình thức đầu tư thu hút khá nhiều sự quan tâm hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản có xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giao dịch để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ứng dụng blockchain mua chung bất động sản: Cần có hành lang pháp lý - Ảnh 1.

Sản phẩm trị giá 3,2 tỷ đồng được chia thành 1.000 phần. (Ảnh chụp màn hình).

Hình thức chứng khoán hóa BĐS

Bàn luận về hình thức đầu tư này tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III do Batdongsan.com.vn tổ chức, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng đây là một xu hướng tất yếu trong đầu tư bất động sản, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn rủi ro ở thời điểm hiện tại.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, blockchain là một khái niệm vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người, dù thị trường Việt Nam đã có những sản phẩm từ công nghệ này. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp, nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain để chia nhỏ, giúp các nhà đầu tư không đủ vốn có thể mua chung bất động sản.

"Hiểu đơn giản đây là chuỗi (chain) các ghi nhận quá khứ (block) liên quan tới tài sản bất động sản (chủ sở hữu, sổ hồng, thông tin chuyển nhượng…). Như vậy, khi sử dụng blockchain ứng dụng trong ngành bất động sản, nhà đầu tư có thể sẽ rút ngắn được thời gian kiểm tra thông tin, dễ dàng biết được bất động sản được sở hữu bởi ai, từng chuyển giao qua bao nhiêu người. Thông tin minh bạch và gần như tất cả mọi người có thể kiểm tra được", ông Tuấn đánh giá.

Vị này cũng nhận định, blockchain giúp giải quyết được vấn đề khá thiết thực với Việt Nam, một thị trường có nhu cầu lớn về đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư mong muốn sở hữu một căn hộ, hay mảnh đất, nhưng không đủ vốn. 

"Các nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, vì khi giá bất động sản tăng trưởng, đồng nghĩa với việc những phần nhỏ cũng tăng giá theo. 

Tuy nhiên, hiện tại hình thức đầu tư qua blockchain vẫn chưa có hành lang pháp lý. Nhà đầu tư thực chất là đang đầu tư một tài sản ủy quyền. Khi tài sản này biến mất hoặc được chuyển giao cho người khác thì tất cả những người mua chung bất động sản sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy rằng, có cả cơ hội và nguy cơ khi đầu tư trong giai đoạn này", ông Tuấn phân tích.

Đồng quan điểm, ông Trương Anh Tú, Phó Tổng giám đốc Property X - Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, đầu tư bất động sản qua blockchain là xu thế tất yếu của bất động sản trong tương lai, bên cạnh loại hình truyền thống. Tuy nhiên, cần phải có sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, sự minh bạch của nền tảng và uy tín của các chủ thể trong nền tảng đó.

"Thời gian qua đã có những sự kiện, giao dịch bất động sản theo hình thức này. Thực tế đây là hình thức mua chung, tạo cơ hội sở hữu bất động sản cho nhiều người. Chỉ cần vài triệu đồng nhà đầu tư cũng có thể đồng sở hữu một bất động sản trị giá hàng tỷ đồng.

Ví dụ một lô đất giá ba tỷ đồng, có thể dùng công nghệ blockchain để chia ra thành 1.000 phần, mỗi phần ba triệu đồng. Nhà đầu tư có thể mua một phần hoặc nhiều phần để đồng sở hữu tài sản ấy. Nhà đầu tư cũng có thể chuyển nhượng phần bất động sản của mình cho các nhà đầu tư khác, tùy vào độ hấp dẫn của tài sản mà giá có thể gia tăng, thanh khoản nhanh chóng dễ dàng".

Ông Trương Anh Tú nhận định đây là một hình thức chứng khoán hóa bất động sản, gần như hình thức quỹ tín thác trong đầu tư hay một kênh huy động vốn để hỗ trợ thêm cho thị trường nói chung.

"Ngoài vấn đề hành lang pháp lý, mức độ tin cậy của đơn vị tổ chức hay nền tảng mua chung cũng rất quan trọng. Giống như HOSE hay HNX của thị trường chứng khoán, đơn vị tổ chức, nắm giữ sổ đỏ cần có biện pháp để đảm bảo minh bạch về sở hữu và việc khai thác tài sản", ông Anh Tú nhận định.

Luật sư Lương Thành Đạt: "Đầu tư bất động sản bằng blockchain rủi ro mất trắng cao"

Theo luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty luật Vì Chân Lý Themis (Hà Nội), hiện nay, xu hướng góp vốn để đầu tư chung đang diễn ra phổ biến vì giảm thiểu chi phí và rủi ro so với đầu tư cá nhân, riêng lẻ.

Pháp luật đã quy định cụ thể hoá về sở hữu chung tại rất nhiều Luật, Bộ luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai... và các thông tư, nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu như nhà đầu tư không nắm chắc pháp luật thì rủi ro là tất yếu.

Thực tế đã chứng minh có rất nhiều dạng tranh chấp như: Tranh chấp về quyền khai thác tài sản sau khi mua, một người đứng lên mua sau đó bán đi mà không lấy ý kiến những người góp vốn, tranh chấp với người thứ ba, tranh chấp với chủ cũ…

Với việc đầu tư bất động sản hình thức blockchain, một căn nhà trị giá một tỷ bán cho 1.000 người, mỗi người chỉ cần một triệu đồng là có thể sở hữu một phần căn hộ. Sổ đỏ do "nhà cái" giữ, trưng bày tại trụ sở để các nhà đầu tư có thể đến nhìn tận mắt.

"Pháp luật không cấm mua chung, công nhận sở hữu chung nhiều người, nhưng mua bán nhà, đất phải lập văn bản. Không thể chẻ nhỏ nếu không đủ điều kiện và quan trọng là nhà đầu tư không có quyền sở hữu, sử dụng theo luật quy định.

Chưa kể đến rủi ro Nhà nước thu hồi tài sản hoặc "nhà cái" bỏ trốn, bệnh nặng, qua đời... thì nhà đầu tư dễ mất trắng. Hình thức này cũng dễ biến tướng thành huy động vốn trái pháp luật", luật sư Lương Thành Đạt cho biết.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.