Zalo, TikTok, YouTube, nền tảng công nghệ riêng,... cạnh tranh Facebook trong cuộc đua bán hàng online của giới BĐS

Khi các kênh bán hàng truyền thống bị hạn chế, mở bán trực tuyến nên nhiều nền tảng là phương thức khả thi được nhiều chủ đầu tư, môi giới lựa chọn để khơi thông nguồn cung.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm hạn chế các hoạt động gặp gỡ trực tiếp với khách hàng nhưng mặt khác đã đẩy mạnh tương tác, giao dịch bất động sản trực tuyến. Một trong những nền tảng được nhiều doanh nghiệp BĐS lựa chọn nhất là Facebook - mạng xã hội số một Việt Nam với hơn 76 triệu người dùng (hơn 70% dân số toàn quốc).

Tuy nhiên, việc ứng dụng của tỷ phú Mark Zuckerberg liên tục gặp lỗi trong vài tháng qua khiến nhiều môi giới lo lắng về tính kết nối và mức an toàn. Đơn cử là tối 4/10, hàng loạt dịch vụ của Facebook, bao gồm nền tảng chính, Instagram, WhatsApp và Messenger đều không thể truy cập trên toàn cầu. Tình trạng mất kết nối kéo dài 6 tiếng và mới bắt đầu được giải quyết vào sáng sớm hôm sau.

Một môi giới tại Hà Nội cho biết, anh thường sử dụng Facebook để livestream, đăng tải thông tin, trao đổi với khách hàng. Tuy nhiên, việc ứng dụng này thường gặp lỗi kết nối khiến anh sẽ tìm một ứng dụng khác dần thay thế để có thể trao đổi, bán BĐS online.

Thực tế, đến thời điểm này, Facebook không phải nền tảng duy nhất mà các doanh nghiệp, môi giới sử dụng để giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu cá nhân. Youtube, Zalo, TikTok, Blog, LinkedIn, Otofun, Otosaigon, nền tảng công nghệ riêng là các ứng dụng phổ biến đang được nhiều doanh nghiệp BĐS và môi giới lựa chọn.

Với lần lượt 50 và 47 triệu người dùng tại Việt Nam, YouTube và Zalo là hai ứng dụng phổ biến chỉ đứng sau Facebook. 

Với YouTube, các doanh nghiệp, môi giới thường đăng tải video giới thiệu sản phẩm, sự kiện livestream về BĐS với trung bình hàng nghìn đến trăm nghìn lượt xem, hàng trăm bình luận tương tác.

Zalo, TikTok, YouTube, App,... cạnh tranh Facebook trong cuộc đua bán BĐS online - Ảnh 1.

Sự kiện livestream quảng bá một dự án tại TP Phú Quốc trên nền tảng YouTube. (Ảnh chụp màn hình).

Hoạt động tương tự như Facebook, Zalo dùng để đăng tải các bài viết về thông tin sản phẩm, dự án và nền tảng này là cách các môi giới liên hệ, tương tác và giữ chân khách hàng. 

Một ứng dụng nổi tiếng khác là TikTok. Ban đầu, ứng dụng này thường được biết đến là kênh giải trí, nhưng hiện tại, đây lại là mảnh đất tiềm năng cho các môi giới quảng bá dự án.

Trên thế giới, xu hướng đưa các nội dung BĐS lên nền tảng giải trí như TikTok được Business Insider ghi nhận bắt đầu từ giữa 2020, khi các lệnh giãn cách và phong tỏa tại nhiều thành phố lớn trên thế giới diễn ra. 

Cash Jordan – một môi giới làm việc New York đã nắm bắt trào lưu này và sở hữu hơn 600.000 người theo dõi, tổng số lượt "thả tim" cho các nội dung của trang đến nay đã đạt 14,2 triệu. Cash đăng tải video của những căn nhà phố triệu đô và đánh giá nội thất những căn hộ hai phòng ngủ. 

Tại Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 thứ ba đã tạo nên xu hướng giới thiệu các dự án trên TikTok và ngày càng phổ biến trong đợt dịch thứ 4. 

Tìm kiếm từ khóa “bất động sản” trên TikTok, dễ dàng nhận thấy hàng loạt kênh được tạo bởi các môi giới với lượt người theo dõi từ vài chục nghìn cho đến trăm nghìn. 

Một môi giới BĐS tại Hà Nội có hơn 54.000 người theo dõi trên TikTok, với hơn 350.000 lượt yêu thích. 

Trung bình mỗi video của anh có từ hàng nghìn đến hàng triệu lượt xem, với số lượt tương tác khoảng vài trăm, vài nghìn lượt. Bên cạnh các video review các dự án, môi giới này còn chia sẻ các tips cho môi giới BĐS và người dùng như những quyển sách nên đọc, kiến thức về pháp lý, kiến trúc, nội thất, phong thủy cần biết,….

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 7 và 8, ngoài Facebook, Zalo, YouTube, nhiều "ông lớn" BĐS đã bán hàng qua nền tảng bán hàng riêng.

Đơn cử như CTCP Tập đoàn Đất Xanh, doanh nghiệp này sử dụng nền tảng Real Agent để bán một vài dự án bao gồm Gem Sky World, Opal City View.

Trong khi đó, CTCP Vinhomes đưa vào thử nghiệm ứng dụng Vinhomes Sales Agent từ tháng 5. Ứng dụng sau đó có hơn 6.000 người dùng và nhận được 503 lượt đặt mua.

Trong khi đó, Công ty Masterise Homes đã tổ chức sự kiện giới thiệu dự án Masteri Centre Point (TP Thủ Đức) thông qua nền tảng trực tuyến Masterise Homes App với hình thức livestream, khách hàng xem nhà qua video 360 độ, hình ảnh 3D.

Mọi thông tin về dự án như giỏ hàng, thông tin căn, layout, hình ảnh marketing, nhà mẫu 360,... đều được tích hợp trên app của Maserise Homes. 

Tư vấn, đăng tin trên nền tảng Zalo, TikTok và App của nhiều môi giới, doanh nghiệp. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ trên Thanh niên, một lãnh đạo của Công ty Hưng Thịnh Land cho biết, để việc kinh doanh không bị “tắc nghẽn”, chủ trương của doanh nghiệp là cho nhân viên bán hàng online và dùng các nền tảng của mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, giới thiệu dự án. 

Ngoài ra, công ty cũng dùng phần mềm giúp khách hàng đi tham quan dự án “online” để có được cái nhìn toàn cảnh, như đang đi xem trực tiếp ở công trường. Nhiều nhân viên kinh doanh đã sử dụng các nền tảng như Zalo, Facebook, TikTok… để chia sẻ về dự án, chính sách bán hàng và đã mang lại hiệu quả khi có giao dịch.

Không nằm ngoài "cuộc chơi", Công ty DKRA Vietnam cũng tổ chức phát triển các công cụ hỗ trợ nhân viên kinh doanh tiếp thị và bán hàng qua kênh online như video YouTube, Zoom, App... 

Hằng tuần công ty vẫn tổ chức livestream với lượng khách hàng quan tâm từ 800 - 1.200 khách/buổi (chưa tính sale).

Ngoài các nền tảng trên, LinkedIn, Blog hay Otofun, Otosaigon cũng là những nền tảng được sử dụng trong việc giới thiệu sản phẩm, dự án và quảng bá thương hiệu cá nhân.

Khi các kênh bán hàng truyền thống bị hạn chế, mở bán trực tuyến nên nhiều nền tảng là phương thức khả thi được nhiều chủ đầu tư lựa chọn để khơi thông nguồn cung.

Theo các chuyên gia bất động sản, một số doanh nghiệp BĐS hiện nay đã tích cực tiên phong áp dụng chuyển đổi, nhiều ứng dụng, hệ thống được ra đời nhằm hỗ trợ cho hoạt động môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định. Hơn nữa, từ trước tới nay, thói quen của khách hàng luôn muốn mua bán và làm việc trực tiếp, vì vậy cần một thời gian dài để khách hàng có thể chấp nhận thay đổi.

Mới đây, tại tọa đàm "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid-19 - giải pháp và kiến nghị", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: "Sớm muộn thị trường bất động sản Việt Nam cần tạo ra thói quen mới. 

Tại các thị trường khác trong cùng khu vực như Malaysia, Singapore... thói quen giao dịch online trên thị trường đã được hình thành cách đây khá lâu, nên khi thị trường xảy ra vấn đề thì lượng giao dịch bất động sản có giảm nhưng không bị ảnh hưởng như thị trường Việt Nam. Do đó, chúng ta cần tận dụng cơ hội này để tạo nên một thói quen mới, coi đó là một cơ hội tiếp theo trong việc đối phó với tình hình dịch bệnh".

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.