Có nên chốt lời chứng khoán để 'săn' bất động sản cắt lỗ sau dịch?

Theo các chuyên gia, trong khi giá BĐS ngày càng tăng cao bất chấp dịch bệnh, rất khó để tìm kiếm sản phẩm cắt lỗ giá tốt để mua. Mặt khác, ở kênh chứng khoán, nhà đầu tư cũng sẽ không có xu hướng chốt lời trong thời gian tới.
Có nên chốt lời chứng khoán để 'săn' bất động sản cắt lỗ sau dịch? - Ảnh 1.

Giá BĐS vẫn tăng mạnh dù giãn cách kéo dài. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hơn so với BĐS

Kể từ thời điểm sốt đất diện rộng hồi tháng 3, thị trường bất động sản (BĐS) đến nay diễn ra khá trầm lắng, đặc biệt khoảng hai tháng trở lại đây. Trong khi đó, thị trường chứng khoán không ngừng tăng trưởng.

Lý giải về sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua so với kênh chứng khoán, tại sự kiện trực tuyến tối 3/10 do Batdongsan.com.vn tổ chức, ông Trần Minh Quang, Giám đốc phát triển dự án của Đất Xanh Miền Nam cho rằng có ba lý do chính.

Thứ nhất, BĐS là sản phẩm đặc thù, nhà đầu tư cần đi xem trực tiếp. Thứ hai, ngay cả khi giao dịch online, các thủ tục vẫn phải thực hiện trực tiếp, người mua phải ký xác nhận vì giá trị sản phẩm rất lớn.

Thứ ba, bởi giá trị của mỗi sản phẩm BĐS lớn nên không phải ai cũng có thể tham gia. Nhiều nhà đầu tư có vốn ít trong thời gian này sẽ lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán, còn BĐS chỉ dành cho nhà đầu tư đã có kinh nghiệm hoặc có dòng tiền dư giả.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo, bán cắt lỗ, do đó nhà đầu tư chứng khoán có thể chốt lời để săn BĐS giá rẻ.

Xoay quanh vấn đề này, ông Quang cho rằng cần rạch ròi giữa hai vế: Chốt lời chứng khoán và tìm kiếm BĐS cắt lỗ.

Hoạt động chốt lời kênh đầu tư này để chuyển sang kênh đầu tư khác, là xu hướng bình thường trong những năm qua và chắc chắn sẽ còn diễn ra, không phải vấn đề mới và cũng không có tính giai đoạn. Một nhà đầu tư luôn có xu hướng đa dạng hóa kênh đầu tư của mình để giảm rủi ro, tìm kênh đầu tư có thanh khoản tốt. 

Tuy nhiên, ông Tạ Thanh Thao, Giám đốc phòng giao dịch của CTCP Chứng khoán SSI khẳng định, sẽ chưa có hiện tượng chốt lời chứng khoán trong thời gian tới.

"Trong năm qua, thị trường chứng khoán nhìn xu hướng dài thì đi lên, nhưng trong ngắn hạn thì không, nhà đầu tư trên thực tế cũng lãi không nhiều. Do đó câu chuyện chốt lời tôi nghĩ chưa có.

Các báo cáo gần đây cũng cho thấy, dòng tiền đang nằm chờ ở thị trường chứng khoán là rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi hết giãn cách, khả năng sẽ có một số nhà đầu tư chứng khoán phân bổ lại danh mục đầu tư và tham khảo kênh BĐS", ông Thao nói.

Bản thân các chuyên gia cũng nhận định, trong ngắn hạn sau khi dịch bệnh lắng xuống, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hơn so với BĐS.

Dưới góc nhìn của ông Thao, chuyên gia SSI lựa chọn đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS trong thời gian tới. Trường hợp nếu phải đầu tư BĐS, vị này sẽ ưu tiên mua nhà ở.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lê Thái, CEO của công ty tài chính Happy Live dự báo, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố vĩ mô. Ông cho biết sẽ dành 80 - 90% tài chính cho danh mục đầu tư chứng khoán.

Khó kiếm "BĐS cắt lỗ", thị trường dự kiến ấm lên ngay sau dịch

Có nên chốt lời chứng khoán để 'săn' bất động sản cắt lỗ sau dịch? - Ảnh 2.

Các dự án hạ tầng trọng điểm vẫn được thi công trong thời gian giãn cách. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trở lại với cắt lỗ BĐS, ông Quang cho rằng hiện tượng này chỉ xảy ra khi những nhà đầu tư ít vốn, phải vay vốn ngân hàng để đầu tư ngắn hạn, lướt sóng bị "sóng đè", buộc phải thanh khoản để thoát nợ mùa dịch.

Còn đối với nhà đầu tư không vay vốn mà sử dụng dòng tiền có sẵn sẽ không bị ảnh hưởng. Khi dịch lắng xuống, việc cho thuê BĐS sẽ giúp thu về dòng tiền. 

Trong ngắn hạn, khả năng sẽ có một số nhà đầu tư cân đối lại danh mục tài sản của mình và đưa ra một số BĐS có thể thanh khoản nhanh để giảm tải tỷ lệ nợ vay đã vướng trước đó.

Chưa kể, những năm qua, đã có thời điểm thị trường BĐS bị chững lại, song giá luôn cao hơn so với giai đoạn trước. Trong bối cảnh đó, dù tích cực săn lùng thì nhà đầu tư chưa chắc đã kiếm được BĐS cắt lỗ để mua.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, có những sản phẩm BĐS có mức giá thấp nhưng thực sự không phải vậy, bởi nhiều người có thể nâng khống giá lên và giảm ngược giá xuống.

Do đó, ông Quang cho rằng nhà đầu tư phải so sánh kỹ mặt bằng giá so với khu vực hoặc so với cách đây vài tháng. Nếu tìm kiếm những BĐS cắt lỗ, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trong phạm vi một số khu vực, biết về quy hoạch và đã tính toán được tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận.

Còn theo ông Phạm Lê Thái, thị trường BĐS sau dịch sẽ ấm lên về mặt thanh khoản, bởi nhu cầu mua BĐS sau dịch sẽ tăng, nhà đầu tư sẽ hướng đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư hoặc để dành, để ở.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ có BĐS giá rẻ, giá cắt lỗ. Việc săn BĐS giá tốt sau dịch gần như sẽ không thể.

"Giá BĐS giai đoạn hiện nay không hề rẻ mà tăng rất mạnh. Ở dự án Phú Mỹ Hưng, cách đây hơn 1 năm, một căn biệt thự khu Nam Thông rơi vào khoảng 37 - 38 tỷ đồng, bây giờ môi giới chào bán 60 - 70 tỷ đồng, theo tôi đây là sự tăng trưởng bất hợp lý.

Hiện nay, BĐS ở Long Thành, Nhơn Trạch hay các dự án như Ecopark, Vinhomes Riverside,... đã cao hơn rất nhiều so với trước tết. Nếu có người rao bán cắt lỗ, bán rẻ thì chỉ rao cho vui thôi, do đó nhà đầu tư đừng mong sẽ có lời từ săn BĐS cắt lỗ.

Tất nhiên có thể sẽ có người xuống tiền, nhưng để sản phẩm tăng giá sau khi mua thì không biết phải đợi bao lâu", ông Thái nói.

Dù "thất thế" so với kênh chứng khoán trong ngắn hạn, tuy nhiên theo ông Quang, thị trường BĐS sẽ tăng trưởng dài hạn nhờ vào lực đẩy đầu tư công và hạ tầng ở nhiều khu vực.

"Trong thời gian giãn cách, các công trình hạ tầng như đường cao tốc, vành đai vẫn được đẩy nhanh tiến độ. Về dài hạn, tôi đánh giá năm 2021 - 2025 là giai đoạn bùng nổ hạ tầng ở khu vực phía Nam, do đó sẽ có một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường BĐS", Giám đốc Đất Xanh Miền Nam cho hay.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.