Ngày 29/9, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ông Châu cho biết, vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 14 về việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Tuy nhiên, HoREA nhận thấy NHNN và các NHTM vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, do đó chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng.
Thậm chí, cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết.
Do đó, HoREA đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ "xấu hơn" cho các khách hàng.
Đồng thời, phía ngân hàng nên xem xét cho doanh nghiệp BĐS, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, giúp người mua nhà vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Mặc dù rủi ro, song dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS vẫn được ghi nhận ở mức cao và có xu hướng gia tăng.
Báo cáo của NHNN cho thấy, tính đến 30/6, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 672.224 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 3.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, nhà ở chiếm tỷ lệ 24,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS; các dự án văn phòng cho thuê chiếm 8,2%.
Các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm 4,1%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm 3,9%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm 8%.
Đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, dư nợ tín dụng, lĩnh vực này chiếm 14,8%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm 7,9% và đầu tư kinh doanh BĐS khác chiếm 28,3%.
Việc phải đối mặt với lãi vay trong bối cảnh giãn cách kéo dài trong những tháng qua đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp BĐS.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO của Đại Phúc Land cho biết, các công trình đang thi công của doanh nghiệp vài tháng trở lại đây phải tạm ngưng, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà. Bản thân những công trình này còn liên quan đến hàng chục nhà thầu khác.
Không chỉ doanh thu bị ảnh hưởng, các chủ đầu tư còn phải đối mặt với câu chuyện dòng tiền để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Theo bà Hương, trong khi doanh thu ngưng trệ, doanh nghiệp BĐS vẫn phải chi trả nhiều khoản, từ lương thưởng, chi phí điện nước, mặt bằng; hợp đồng thi công trả cho các nhà thầu;... chưa kể chi phí vận hành, quản lý đối với các dự án đã đi vào hoạt động.
Quan trọng nhất là vay nợ tài chính. Hầu hết các dự án quy mô lớn đều sử dụng vốn vay ngân hàng và các phương án huy động tài chính với con số lên đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng thì không dừng lại, đúng ngày đúng giờ vẫn đến, bất chấp dịch bệnh. Do đó, việc đảm bảo dòng tiền, doanh thu, các khoản nợ... là thách thức với các doanh nghiệp.
"Trước đây, trong những thời điểm khó khăn của thị trường, nhiều chủ đầu tư thường ví von "chết trên đống tài sản" là có thật", CEO Đại Phúc Land chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, nhìn ở góc độ tích cực, việc giãn nợ giúp các doanh nghiệp không bị đưa vào nhóm nợ xấu. Trường hợp kinh tế phục hồi, dịch bệnh lắng xuống thì 3 - 6 tháng là đủ để các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động kinh doanh, cải thiện thu nhập và trả nợ ngân hàng.
Trên thực tế, những lo ngại của ngân hàng không phải không có cơ sở, khi mà nhóm ngành BĐS được NHNN xếp vào nhóm lĩnh vực cho vay tiềm ẩn rủi ro rất cao. Các khoản vay ở lĩnh vực này có hệ số rủi ro lên đến 200%.
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, các ngân hàng đang đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng lên do tác động của dịch bệnh và đang phải trích lập những dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu này.
Tại thời điểm cuối tháng 4/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng tăng nhẹ từ 1,69% lên mức 1,78%. Báo cáo tài chính quý II của 29 ngân hàng cho thấy, tổng dư nợ xấu của các ngân hàng đến thời điểm ngày 30/6 tăng 4,5% so với cuối năm trước.
Với việc NHNN cho phép các NHTM được giãn nợ cho doanh nghiệp BĐS trong 3 - 6 tháng, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng có thể tăng trong thời gian tới.
Tại diễn đàn chính sách về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 diễn ra sáng 1/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm lợi nhuận tổng cộng là 28.000 tỷ đồng, trong đó 26.000 tỷ đồng là giảm lãi suất cho vay và khoảng 2.000 tỷ đồng là giảm phí.
Theo ông Hùng, việc miễn giảm lãi, phí cho khách hàng đã là một sự cố gắng của các TCTD. Tuy nhiên, nguồn lực của các TCTD đến nay đã dần suy giảm và cũng rất khó khăn. Ngành ngân hàng hỗ trợ như vậy là đã hết khả năng của các nhà băng.
Trước mắt, trong năm 2021, các ngân hàng sẽ phải trích lập tối thiểu dự phòng 30%. Ngoài ra, những khoản nợ xấu nhiều khả năng sẽ phát sinh. Có thể nhận thấy những khó khăn trong tương lai của các ngân hàng còn rất lớn, vì vậy dư địa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp là không nhiều.
"Doanh nghiệp muốn hoạt động, thì phải tạo điều kiện hay cơ chế gì cho người ta hoạt động. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang nợ dưới chuẩn, không có nguồn thu, không có lợi nhuận, làm sao có đủ điều kiện để tiếp cận vốn?
Muốn có thể hỗ trợ tiếp, cần phải có cơ chế và chính sách, và những chính sách đó có thể vượt tầm của NHNN, phải đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội vì vấn đề liên quan đến luật.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không như thuế hay là ngân sách, vốn Nhà nước. Các ngân hàng đang dùng chính nguồn lực của họ để hỗ trợ doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hùng chia sẻ.