Loạt kiến nghị hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản

Nhiều ý kiến cho rằng cần có các gói hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Bất động sản đứng "bên lề" cuộc giải cứu?

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề trong xã hội. Thu nhập của người dân bị giảm sút theo, thậm chí, nhiều người mất đi nguồn thu. Trước tình hình này, nhiều ngân hàng lớn ra thông báo đồng loạt giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, Vietcombank thông báo giảm lãi suất cho vay từ 18/8 đến hết 31/12 với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị tác động bởi Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, với mức giảm 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP HCM và Bình Dương và 0,3%/năm với các khách hàng tại các tỉnh, thành khác đang giãn cách xã hội.

VietinBank triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỷ đồng, cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

BIDV cũng dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Ngân hàng này giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7; đồng thời tung gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn 1,5%.

Không chỉ các ngân hàng cổ phần Nhà nước, nhiều ngân hàng tư nhân cũng tham gia giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng như MBBank, Sacombank,...

Đồng loạt kiến nghị hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Từ ngày 18/6, Sacombank triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp. (Ảnh: Sacombank).

Tuy nhiên, theo Thanh Niên, đối tượng ưu tiên của các gói hỗ trợ giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất chỉ áp dụng với các ngành dệt may, da giầy, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu… Không áp dụng hỗ trợ với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá...

Điều này vấp phải phản đối của các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản khi họ cho rằng lĩnh vực này bị đứng "bên lề" cuộc giải cứu.

Đề xuất giảm 2% lãi vay cho doanh nghiệp và người mua nhà 

Trong bản kiến nghị trình Bộ Xây dựng về các phương án hỗ trợ doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà vượt qua khó khăn do Covid-19, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn.

HoREA cũng đề nghị các ngân hàng xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa ốc được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. 

Đối với người mua nhà, cần có chính sách tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, đồng thời hỗ trợ cho vay đối với người mua nhà ở thuộc phân khúc bình dân, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

Về chính sách thuế, HoREA đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần hãm đà tăng giá nhà.

Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp

Theo Tài nguyên và Môi trường, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây cũng cho biết đã kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Theo đó, VARS đã đưa ra 5 đề xuất. Thứ nhất là đề nghị bổ sung nhóm ngành bất động sản, trong đó có dịch vụ môi giới vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, doanh nghiệp được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác đối với Nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch.

Thứ ba, đề nghị giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Và cuối cùng, đề nghị thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư bất động sản làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư cho toàn xã hội.

Chỉ nên siết các khoản vay đầu cơ

Về vấn đề hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định trên VTV, việc siết tín dụng tránh tạo bong bóng bất động sản là cần thiết, tuy nhiên ngân hàng chỉ nên siết các khoản vay nhằm mục đích đầu cơ, mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp. 

Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nhà trên thị trường sơ cấp, nghĩa là những người có nhu cầu mua nhà ở thực. Các khoản vay mới và cũ của nhóm này đều cần được xếp hạng ưu tiên hỗ trợ do tác động của đại dịch. 

Tiến sĩ kiến nghị Chính phủ và ngân hàng nhà nước nên có các khoản hỗ trợ như gói 30.000 tỷ đồng trước kia để hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp, chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol cho rằng sẽ phải có một gói hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, nhưng sẽ không nằm trong gói ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất. 

Theo ông Tuấn, sẽ có sự "sàng lọc tự nhiên" trên thị trường bất động sản. Thực tế không phải tất cả doanh nghiệp bất động sản gặp vấn đề mà chỉ có một số. Trong đó có các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu và một số nhà đầu tư cá nhân đã mua trái phiếu, đó mới là rủi ro. Những doanh nghiệp bất động sản lớn còn khả năng xoay xở, tiếp cận được nguồn tài chính thì họ có thể mua lại dự án. 

"Tất nhiên sẽ phải có hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng nhưng không thể hỗ trợ trên diện rộng được. Đây là sự tự thân vận động giữa hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản. Hỗ trợ và nhận hỗ trợ bao nhiêu thì hai bên sẽ phải cố gắng. Còn những doanh nghiệp không thể trụ được thì sẽ phải bán dự án, hoặc ngân hàng sẽ thu lại và sau đó thực hiện phát mại các dự án. Đó là một tiến trình rất tự nhiên", ông Tuấn cho biết.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.