Trong gần hai năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành loạt thông tư hướng dẫn cho các hệ thống ngân hàng thương mại cấu lại thời gian trả nợ (lùi ngày trả nợ), miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ cho các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những chính sách này nhận được nhiều sự quan tâm của các khách hàng, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang dùng đòn bẩy tài chính là vốn vay ngân hàng.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nguồn thu, khiến họ khó có thể trả nợ theo đúng cam kết, dẫn đến khả năng mắc nợ xấu hoặc bị đưa vào danh sách chú ý của ngân hàng. Điều này ảnh hưởng tới việc vay vốn hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính của những nhóm đối tượng này trong tương lai.
Tại hội thảo "Giải pháp tài chính cho nhà đầu tư bất động sản mùa Covid-19" do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - khu vực miền Trung tổ chức mới đây, ông Nguyễn Nhất Linh, Giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng nhấn mạnh giải pháp hợp lý nhất trong giai đoạn hiện nay là đề nghị ngân hàng hỗ trợ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo ông Linh, dựa trên các điều kiện của thông tư hướng dẫn do NHNN ban hành, các nhà đầu tư có thể đối chiếu, xem xét các khoản nợ phù hợp để đề nghị ngân hàng hỗ trợ.
Nhà đầu tư cần có đơn gửi ngân hàng đề nghị được cơ cấu lại thời gian trả nợ. Sau đó ngân hàng sẽ xem xét khoản nợ, đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do Covid-19 và có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn mới.
"Chúng ta nên hạn chế việc gọi điện hay nhắn tin với các chuyên viên, đó là cách không chính thống. Tốt nhất là chúng ta cần có một văn bản gửi đến ngân hàng. Ngân hàng sẽ phúc đáp bằng văn bản trả lời rõ ràng. Đây là thủ tục đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng để khách hàng có thể làm việc với ngân hàng một cách chính thức theo quy định", ông Linh nhấn mạnh.
Giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng cũng cho biết, tùy từng ngân hàng sẽ có quy định, trình tự, thủ tục riêng về việc cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí.
"Tôi đánh giá hầu hết các ngân hàng đều đang làm tốt việc hỗ trợ các khách hàng từ cá nhân cho tới hộ kinh doanh, doanh nghiệp để đồng hành cùng khách hàng vượt qua gia đoạn khó khăn.
Khách hàng vượt qua khó khăn cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng, các ngân hàng vượt qua. Do đó, mọi người có nhu cầu cần mạnh dạn, liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ", ông Linh nhấn mạnh.
Ông Linh cho biết thêm, các ngân hàng đang hỗ trợ giảm lãi ở mức từ 0,5 - 1%/năm. Thời gian trả nợ cho khách hàng được gia hạn lùi thêm từ 6 - 12 tháng. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần xem xét khả năng tài chính của bản thân để đề xuất ngân hàng một giải pháp cơ cấu nợ tốt nhất, phù hợp hơn với năng lực và dòng tiền của bản thân. Điều này giúp nhà đầu tư trả được nợ sau cơ cấu đúng thời gian, tiếp tục giữ được uy tín với ngân hàng.
Ngày 7/9 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 14, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 1 ban hành ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN sửa đổi quy định, khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí là khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 - 30/6/2022.
Số dư nợ của khoản nợ đủ điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng cần thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Thư hai, số dư nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.
Thứ ba, số dư nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5.
Trường hợp cuối cùng là số dư nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8 và quá hạn từ ngày 17/7 đến trước ngày 7/9.
Cũng theo Thông tư 14, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12 năm nay như thông tư ban hành trước đó.