Những năm gần đây, từ khóa "công nghệ blockchain" (công nghệ chuỗi khối) được nhắc đến nhiều trên thế giới bởi khả năng bảo mật, minh bạch cũng như tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực.
Tại Việt Nam, công nghệ này đã bắt đầu ứng dụng vào lĩnh vực bất động sản và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Gần đây, thị trường xuất hiện một nền tảng được giới thiệu có khả năng mã hoá bất động sản bằng công nghệ blockchain, chuyển đổi bất động sản thành tài sản số, chia nhỏ tài sản này thành nhiều phần để các nhà đầu tư cùng mua chung. Khi mua thành công, nhà đầu tư sẽ được nhận mã token chứng nhận cổ phần tương ứng.
Chia sẻ tại talkshow "Đầu tư vào bất động sản mã hoá: cơ hội và thách thức", ông Nguyễn Tấn Phong, nhà sáng lập nền tảng nêu trên, đồng thời là một chuyên gia tư vấn pháp lý và đầu tư bất động sản, cho biết, đây là mô hình sử dụng công nghệ blockchain để mã hóa (tokenization) bất động sản, chia nhỏ thành 1.000 phần. Ví dụ, một mảnh đất trị giá ba tỷ đồng được chia nhỏ thành 1.000 phần, mỗi phần có giá ba triệu đồng. Khi đó, một nhà đầu tư có thể thành chủ sở hữu một phần của miếng đất này chỉ với ba triệu đồng.
Đặc biệt, các sản phẩm được mã hóa và đưa lên giao dịch trên nền tảng này đều phải trải qua thẩm định và đáp ứng được các tiêu chí về giá cả, pháp lý, khả năng thanh khoản...
"Chúng tôi đã mở bán thành công được một sản phẩm ở khu vực Cần Giờ (TP HCM). Trong vòng 90 phút, chúng tôi đã giải quyết được bài toán mua chung bất động sản này cho 32 nhà đầu tư", ông Phong lấy dẫn chứng về giao dịch thành công đầu tiên trên nền tảng.
Ông Hồ Vân Long, với quan điểm của một nhà đầu tư và là nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế Adamas Investment, cho rằng, đây là một xu hướng tất yếu trong thời đại mới và hoàn toàn khả thi.
Ông Long phân tích, các giao dịch bất động sản truyền thống thường tốn rất nhiều thời gian, từ lúc xác định tài sản muốn mua, chuẩn bị dòng tiền, thế chấp vay, định giá tài sản... Nhiều giao dịch có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm mới có thể hoàn thành. Nền tảng số hóa bất động sản có thể giúp giải quyết vấn đề thời gian và cả không gian cho người mua và người bán.
Về vấn đề cùng mua chung một tài sản bất động sản, việc chia nhỏ tài sản thành 1.000 phần sẽ giúp những người công nhân cũng có thể dễ dàng tham gia đầu tư, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh.
Trước băn khoăn của những người quan tâm về vấn đề pháp lý - một trong những yếu tố hàng đầu khi đánh giá giá trị của bất động sản, ông Long khẳng định, về cơ bản giao dịch thông qua nền tảng này vẫn đảm bảo giá trị pháp lý của tài sản.
"Nếu chúng ta là những người kinh doanh bình thường, có đóng thuế đầy đủ thì pháp lý không phải là vấn đề lớn, ở đây chỉ là thông qua nền tảng công nghệ số để thực hiện giao dịch một cách nhanh nhất và thuận lợi nhất cho cả nhà đầu tư, người bán và người mua", ông Long nhận định.
Nói thêm về vấn đề pháp lý, nhà sáng lập nền tảng cùng mua bất động sản trên blockchain cho biết, đơn vị sẽ thay mặt các nhà đầu tư nắm giữ tất cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các sản phẩm đã được bán trên nền tảng, đặt 24/7 tại văn phòng của công ty để các nhà đầu tư có thể theo dõi.
Trong trường hợp muốn chuyển nhượng bất động sản đã mua chung, tất cả nhà đầu tư sẽ tiến hành biểu quyết và kết quả sẽ được thực hiện theo quyết định của nhóm nhà đầu tư nắm giữ trên 51% số phần.
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể trao đổi, giao dịch token với nhau trên sàn p2p (peer-to-peer: người dùng với người dùng).
Thực tế, mua chung bất động sản không phải là vấn đề mới mà đã từng được nhắc đến nhiều trong hai năm gần đây. Một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối đã đưa ra hình thức đầu tư chung này. Thậm chí trên thị trường cũng đã có ứng dụng mua chung bất động sản.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ blockchain để giải quyết bài toán mua chung là một vấn đề mới và những người quan tâm vẫn còn không ít băn khoăn như: tài sản của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ ra sao khi xảy ra tranh chấp hoặc đơn vị vận hành nền tảng phá sản? Rủi ro của nhà đầu tư có thể gặp phải khi chưa có khung pháp lý cho dạng tài sản số?
Ở góc độ một nhà đầu tư cá nhân đã có nhiều kinh nghiệm, ông Nguyễn Minh Xuân (Quảng Nam) nhận định, công cụ đầu tư ở đây là bất động sản, không có gì mới, chỉ khác ở chỗ chuyển đổi từ truyền thống sang số hóa 4.0 và blockchain là một điển hình. Đây cũng là xu hướng chung nên nhà đầu tư không có gì bất ngờ.
Hình thức đầu tư, cách thức mua bán cũng khá tương đồng và có thể hiểu như việc mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp vậy, tức chia nhỏ cổ phần để tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn, tạo tính thanh khoản cao hơn.
"Cũng giống như thị trường chứng khoán, từ hình thức và công cụ đầu tư đều hợp pháp và được khuyến khích nên đây sẽ là một loại hình mới cho mọi người tham khảo đầu tư. Tuy nhiên để nhận định loại hình thức này có phải là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư hay không thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố", ông Xuân phân tích.
Cũng theo quan điểm của ông Xuân, rủi ro lớn nhất tiềm ẩn không nằm ở chỗ hệ thống, cách thức hay pháp lý, vì trong tương lai nó sẽ hoàn thiện theo pháp luật.
"Rủi ro lớn nhất là ở việc nhà đầu tư luôn nghĩ đây là sân chơi mà mình dễ kiếm được tiền nhất, tài sản luôn tăng giá và họ rơi vào trạng thái hưng phấn. Điều đó rất nguy hiểm trong đầu tư", ông Xuân đánh giá.