Doanh nghiệp ngoại ít tham gia thâu tóm bất động sản trong đại dịch

Trong thời gian xảy ra đại dịch, làn sóng M&A (sáp nhập và mua lại) dự án giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước đã có những diễn biến đáng chú ý.

Khối nội chiếm lĩnh số lượng M&A bất động sản

Theo chia sẻ từ bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội, trong các thương vụ M&A thành công thời gian qua, đa số là giao dịch giữa các nhà đầu tư trong nước, tiếp đến mới là các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đây, các nhà phát triển bất động sản trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án; các thương vụ M&A chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm lại từ các nhà phát triển dự án trong nước.

Tuy nhiên khi quy mô thị trường lớn, các doanh nghiệp bất động sản trong nước có đủ tiềm lực, tích lũy về nguồn lực tài chính, bộ máy và quy trình thực hiện thì M&A là cách nhanh chóng để mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.

Trong quý II, những thương vụ M&A đáng chú ý giữa các doanh nghiệp trong nước có thể kể đến như CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần CTCP Bất động Sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower, thương vụ Tập đoàn Ô tô Trường Hải mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam, thương vụ hợp tác giữa Becamex IDC và Central Retail Vietnam phát triển Trung tâm thương mại GO! tại Bình Dương.

Diễn biến đáng chú ý của làn sóng M&A bất động sản trong đại dịch  - Ảnh 1.

Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội. (Ảnh: Savills Việt Nam).

M&A dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài không nhiều như giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu thời gian qua lại nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế.

Theo dữ liệu của Savills Hong Kong, Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 15,27 tỷ USD. 

Trong điều kiện Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được nâng hạng đánh giá tích cực bởi cả ba tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, bao gồm Moody's, S&P và Fitch. Các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, có chiến lược mở rộng và đa dạng hoá kênh đầu tư cũng tìm đến các thị trường mới nổi hoặc những thị trường cận biên như Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận.

M&A bất động sản đang có xu hướng chậm lại

Theo bà Lê Phương Lan đánh giá, các hoạt động M&A bất động sản dù phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã có xu hướng chậm lại trong hơn một năm qua.

Lý do xuất phát từ sự khác biệt trong đánh giá và kỳ vọng giữa bên bán và bên mua. 

Ở góc độ bên bán, nhiều chủ bất động sản kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh. Thực tế, từ cuối năm 2020 và nửa đầu 2021 giá bất động sản nhà ở của Việt Nam không hề giảm, chính sách tiền tệ cũng được nới lỏng. Do đó họ tiếp tục giữ lại các bất động sản hoặc định giá bán ở một mức rất cao.

Trong khi đó, đánh giá và kỳ vọng của bên mua không lạc quan như vậy. Họ thận trọng hơn khi xuống tiền đầu tư tại thời điểm này với tâm lý chung là "chờ đợi rồi hành động". 

Tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án cũng bị chậm hơn so với dự kiến, trong khi đối với một giao dịch bất động sản, đây là là điều kiện tiên quyết để thực hiện mua bán.

Một lý do khác là nhiều chủ đầu tư mong muốn chuyển nhượng dự án, tuy nhiên lại không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện giao dịch. 

Do đó, bà Lan cho rằng, rất cần những tổ chức tư vấn M&A chuyên nghiệp, hiểu biết thị trường địa phương, có mạng lưới kết nối với nhà đầu tư toàn cầu, đồng thời có dịch vụ tư vấn trọn gói để hỗ trợ giao dịch thành công với chi phí thấp nhất.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.