Mới đây, một công ty BĐS có trụ sở ở đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà cho biết, công ty có ba nhân viên thu nhập rất cao nhờ bán được sản phẩm tại dự án shophouse do công ty làm chủ đầu tư.
Cụ thể, chị H.T. bán được 17 căn shophouse đem về thu nhập cho bản thân gần 2,5 tỷ đồng, trong đó có 877 triệu đồng tiền hoa hồng và hơn 1,5 tỷ đồng thưởng nóng.
"Trong ngành BĐS nhiều năm, tôi không xem mình là sale mà đúng hơn là người cố vấn khi làm việc, cần biết phân tích khách hàng, giới thiệu sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng. Để đến khi chốt đơn, bạn không đơn thuần bán hàng mà mang đến cho khách hàng cảm giác đã may mắn kịp thời đầu tư so với các lựa chọn khác trên thị trường", chị H.T. chia sẻ.
Một trường hợp khác là anh X.T. bán được 9 căn shophouse, đem về thu nhập gần 1,5 tỷ đồng. Anh X.T. kể, sau khi thực địa dự án, khách hàng đã mua ngay 5 sản phẩm do anh giới thiệu. Sau đó, anh chốt thêm được 4 sản phẩm qua điện thoại, nhờ các khách hàng đã mua giới thiệu cho bạn bè.
Theo anh X.T., để có được kết quả trên, ngoài kỹ năng của anh còn yếu tố chất lượng sản phẩm và uy tín của chủ đầu tư. Nếu sản phẩm tốt, khách hàng không chỉ mua mà còn giúp giới thiệu người quen của họ cho mình.
Trước thông tin các môi giới trên có thu nhập cao trong mùa dịch, nhiều đồng nghiệp của họ ở công ty khác rất bất ngờ.
Anh Thạnh, một môi giới BĐS chia sẻ: "Tôi thấy họ quá giỏi về kỹ năng bán hàng và may mắn cũng góp phần trong đó để có thu nhập tốt. Nhiều công ty BĐS, trong đó có công ty của tôi từ lâu không có sản phẩm để bán, nhân viên nghỉ việc rất nhiều".
Đúng như anh Thạnh nói, những nhân viên môi giới vẫn có thu nhập tốt như đã kể trên chỉ là một phần rất nhỏ hiện nay khi phần môi giới thất nghiệp, không có tiền để trang trải cuộc sống.
Tại tọa đàm bất động sản được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam, chia sẻ, hiện nay cả nước có khoảng 300.000 môi giới BĐS. Do ảnh hưởng bởi dịch kéo dài mà hàng nghìn người thất nghiệp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Do giãn cách họ cũng không thể ra ngoài để gặp khách hàng, thị trường cũng thiếu hàng để bán.
Các sàn môi giới cũng chịu rất nhiều áp lực, họ phải trả lương cho cán bộ nhân viên, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, lãi vay và rất nhiều những chi phí khác. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến các sàn BĐS không thể triển khai bán hàng, không có nguồn thu để trả tiền cho những chi phí đó.
"Chúng ta rất cần những giải pháp cho môi giới BĐS, giống như người bệnh Covid-19 cần bình ô xy để thở", ông Đính nói.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenLand, "việc quan trọng nhất của các doanh nghiệp BĐS hiện nay là làm sao động viên nhân viên vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự co cụm. Chúng ta cẩn trọng, đảm bảo an toàn, tuy nhiên không phải như con đà điểu rúc đầu trong cát rồi mong một ngày mong đại dịch đi qua. Chúng ta phải luôn luôn hành động, có giải pháp để kinh doanh".
Phó Chủ tịch HĐQT CenLand cũng nhấn mạnh, tinh thần mỗi cán bộ nhân viên rất quan trọng trong thời điểm dịch bệnh này. Tại công ty ông hàng tuần lãnh đạo thường xuyên họp, có những cuộc họp quy mô rất lớn để chia sẻ động viên tinh thần, đề ra giải pháp để kinh doanh.
"Tất nhiên, ngoài tinh thần thì cùng với đó phải có sự hỗ trợ kịp thời cho nhân viên trong lúc khó khăn. Chúng tôi cũng khuyến khích nhân viên biết cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm trong thời điểm dịch bệnh", Phó Chủ tịch HĐQT CenLand nói.
Nhà sáng lập DKRA Vietnam Phạm Lâm đề xuất, để vượt qua khó khăn thị trường BĐS hiện nay, các sàn, các công ty môi giới BĐS, các chủ đầu tư có thể liên kết, xây dựng kho hàng chung với những sản phẩm uy tín để bán, kịp thời chi trả chi phí hoa hồng hoặc ứng trước hoa hồng cho môi giới lo cuộc sống.
Bên cạnh đó, ông Lâm cũng đề xuất giãn lãi vay, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân hoạt động tại sàn giao dịch và môi giới BĐS.
Doanh nghiệp BĐS cũng cần được ưu đãi lãi vay đối với khoản vay mới và hoãn nộp các loại thuế 6 tháng kể từ khi hoạt động trở lại.