Từ khi xuất hiện, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản TP HCM. Tại talkshow trên diễn đàn Review Bất động sản được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều số liệu và phân tích cụ thể về tác động của các đợt dịch lên thị trường. Trong đó, nổi bật là bức tranh đối lập của thị trường khu đông và nam Sài Gòn trong thời gian qua.
Nhận định về thị trường bất động sản khu vực phía đông TP HCM, ông Trịnh Minh Hải (người sáng lập diễn đàn Review Bất động sản) cho biết, đầu năm 2020 cho đến nay, đã có sự phân hóa rõ ràng giữa các phân khúc tại khu vực này.
Cụ thể, phân khúc thấp tầng có sự phát triển mạnh ở khu vực vùng ven TP Thủ Đức. Tỷ lệ giao dịch các dự án thấp tầng ở khu vực này cao, thậm chí có dự án đã đạt tỷ lệ giao dịch 100% trong ngày mở bán. Bên cạnh đó, phân khúc thấp tầng trong TP Thủ Đức, khu vực Đông Tăng Long cũng đạt tỷ lệ giao dịch cao.
Phân khúc căn hộ cũng tập trung ở TP Thủ Đức với tỷ lệ giao dịch đạt từ 75 - 90%. Theo ông Hải, số lượng giao dịch phân khúc căn hộ khu đông cũng bị hạn bởi một số vấn đề pháp lý và ảnh hưởng của Covid-19.
Phúc đất nền tại khu đông Sài Gòn từ đầu 2020 cho đến nay không có dấu hiệu giảm giá mà ngược lại đã tăng đáng kể.
Thời điểm giữa năm 2020, đất nền khu vực trục đường lớn có giá từ 250 - 300 triệu đồng/m2, nhưng sau khi công bố lập TP Thủ Đức có những khu đã lên giá trên 350 triệu đồng/m2. Đất nền quanh trục đường liên phường cũng có sự tăng giá đột biến, giá giao dịch tăng từ 35 - 40 triệu đồng/m2 lên 50 - 70 triệu đồng/m2. Khu Đông Tăng Long, đất nền khu hoán đổi tăng từ 45 triệu đồng/m2 lên 65 - 700 triệu đồng/m2 vào thời điểm cuối năm 2020.
"Khu đông mặc dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng giá bất động sản vẫn tăng đều", ông Hải kết luận.
Ông Đặng Trung Hiếu, Giám đốc Thương mại GM Property Group nhận định, bất động sản khu nam TP HCM đã gặp không ít khó khăn trong thời gian qua. Từ đầu năm 2020 đến nay, số sản phẩm mở bán và bán tại khu vực phía nam rất ít.
Khan hiếm sản phẩm, khó khăn về pháp lý và giao dịch ít là thực trạng hiện nay tại thị trường này. Giao dịch thứ cấp cũng chỉ sôi động cục bộ ở một vài phân khu.
Trong thời gian qua, thị trường căn hộ cho thuê giảm nhẹ, thị trường mặt bằng/shop cho thuê sụt giảm nghiêm trọng. Rất nhiều mặt bằng đã phải đóng cửa, treo biển cho thuê trong thời gian dài.
Thị trường có nhiều dấu hiệu chưa tích cực, tuy nhiên theo ông Hiếu, vẫn còn nhiều động lực để khu nam phát triển trong giai đoạn tới.
"Đặc thù khu nam được bao bọc bởi sông rạch tự nhiên dày đặc gần rừng phòng hộ Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố. Nam Sài Gòn cũng đang trong lộ trình lên quận cho các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và được xem xét đề xuất trở thành đặc khu kinh tế phía nam, phát triển các khu cảng biển và thương mại", ông Hiếu lạc quan.
Thêm vào đó, hạ tầng kết nối khu nam với trung tâm TP HCM và các tỉnh lân cận cũng đang được quan tâm đầu tư với các dự án hạ tầng như nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh kết nối về Long An, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3, vành đai 4... Tất cả các dự án này đều ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản.
Thực tế cho thấy bất động sản nam Sài Gòn có một sức hút lớn khi thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế và tập đoàn trong nước có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm đến đầu tư các khu đô thị lớn, quy hoạch chỉn chu, bài bản như Phú Mỹ Hưng 309 ha, GS Nhà Bè 349 ha,Vingroup Cần Thơ 3.000 ha, đô thị cảng Hiệp Phước 3.911 ha...
"Tất cả các khu đô thị kể trên là 'bộ mặt' của nam Sài Gòn sẽ thúc đẩy kinh tế cũng như phát triển thị trường bất động sản khu vực", ông Hiếu nhận định.